So với loại xe chạy hoàn toàn bằng điện (Electric vehicle – EV) thì xe điện loại HEV – PHEV sẽ có một số điểm khác biệt. Hãy cùng khám phá cấu tạo của xe điện (HEV – PHEV).

Xe điện

 Pin

Tùy vào từng cấp độ lai giữa xe điện và xe truyền thống mà pin đóng vai trò tương ứng trong hoạt động của xe. Đối với mức độ thấp nhất, dòng Micro-Hybrid, chỉ sử dụng pin Acid Chì như các dòng xe truyền thống, trong đó pin chỉ đóng vai trò thu hồi 1 phần khiêm tốn (do các hạn chế của ắc quy) năng lượng từ việc phanh xe, không có pin, hiệu năng của xe gần như không đổi, động cơ xăng vẫn hoạt động đảm bảo nhu cầu của người lái.

Đối với mức độ cao nhất, PHEV, pin đóng vai trò chính yếu trong hoạt động của xe: tạo động lực chính cho xe, thu hồi phần lớn năng lượng phanh và không có pin thì xe sẽ không đạt được 100% hiệu năng do động cơ xăng chỉ có công suất vừa phải không thể thay thế được động cơ điện.

Nhìn chung, do đặc tính của hầu hết xe lai, động cơ điện đóng vai trò phụ trợ cho động cơ xăng trong những đoạn tăng tốc nên phần lớn pin thiết kế cho HEV đều ưu tiên loại có công suất lớn thay vì năng lượng dự trữ lớn như trên EV. Không chỉ thế, dải dung tích sử dụng cũng bé hơn rất nhiều so với ắc quy trên EV, thường không bao giờ xuống dưới 50-60% dung tích pin, thay vì có thể xả đến 80-90% trên xe EV (Trên xe Toyota Prius HEV đời đầu, pin chỉ cho phép người sử dụng di chuyển quãng đường cỡ 2-3km hoàn toàn bằng điện, trong trường hợp này tuy bạn chưa xả hết toàn bộ dung tích pin nhưng các hệ thống an toàn trên xe sẽ tự động đổi mode hoạt động của xe).

Động cơ điện

Tương tự như ắc quy, tùy vào cấp độ và đặc biệt là cấu trúc của xe lai mà động cơ điện sẽ được tính toán để phù hợp với nhu cầu sử dụng của xe. Ở kiểu xe HEV serie, chỉ có động cơ điện truyền động lực cho bánh xe, do đó sẽ cần công suất lớn hơn so với trên kiểu xe HEV parallel khi mà động lực truyền đến bánh xe được chia nhỏ cho 2 động cơ điện + xăng. Tựu chung lại, động cơ điện trên HEV không có quá nhiều khác biệt so với trên EV, dù là với cấu trúc xe ra sao, vẫn sẽ là bộ phận chính giúp đem lại cho chiếc xe những trải nghiệm lái tuyệt vời nhất. Tùy vào từng hãng xe mà loại động cơ điện được sử dụng cũng khác nhau: đồng bộ 3 pha, không đồng bộ 3 pha hoặc reluctance variable.

Máy phát điện

 Được trang bị ở đầu ra của động cơ đốt trong trên các dòng xe lai có cấu hình “serie full hybrid” hoặc “serie-parallel full hybrid”. Có nhiệm vụ chuyển hóa năng lượng sinh ra của động cơ đốt trong (cơ năng) thành năng lượng điện nhằm cung cấp cho động cơ điện để tạo động lực đến các bánh xe hoặc nhằm sạc lại ắc quy cao áp trong quá trình xe chạy.

Hệ thống điện tử công suất

Tương tự vai trò như trên xe EV.

Hệ thống kết hợp truyền động

Đây chính là 1 trong những hệ thống khiến cho dòng xe lai phức tạp và đắt tiền hơn so với dòng xe 100% điện. Như ta đã biết, đối với xe lai có cấu trúc “parallel”, động cơ điện và động cơ đốt trong sẽ được tích hợp với nhau qua một cấu trúc cơ khí thường dưới dạng hệ thống bánh răng. Cấu trúc cơ khí này có khả năng phân bố công suất cho từng động cơ đơn vị tùy từng trường hợp: có thể 50-50 chia đều cho 2 động cơ, hoặc 30-70 hoặc 100% động cơ điện.

Nếu như so với trường hợp trên xe EV, chúng ta lược bỏ được hộp số trong hệ thống truyền động của xe thì rõ ràng trên xe lai, hệ thống cơ khí này, cũng có thể hoạt động như một bộ truyền số CVT, khiến cho hệ thống truyền động của xe phức tạp hơn do đó giá thành sản xuất cũng cao hơn, chưa kể đến hiệu năng của cấu trúc cơ khí này có thể khiến hiệu năng chung của xe giảm.

Hệ thống phanh tái sinh

Đây là một hệ thống phanh tiên tiến được sử dụng cùng với hệ thống phanh truyền thống thông thường trong xe điện/hybrid hiện đại. Nó biến đổi động – nhiệt năng của quá trình phanh sinh ra thành điện để sử dụng lại. Hầu hết các xe mới nhất từ ​​các nhà sản xuất như Tesla, Toyota, Volkswagen và Mercedes đều sử dụng công nghệ phanh này.

Theo Cục đăng kiểm Việt Nam

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *