Có nguồn tài nguyên quý giá từ hệ thống sông nước của Tp Hồ Chí Minh, nhưng việc khai thác bến để phục vụ giao thông thủy đang rất lãng phí. Nếu đầu tư đúng mực, sẽ mang lại lợi ích to lớn và thậm chí góp phần thay đổi cả bộ mặt giao thông thủy và khai khác du lịch.

Với lợi thế là có hệ thống sông ngòi dày đặc và ăn sâu vào các quận huyện, đây là một nguồn tài nguyên quý giá của một đô thị sông nước để phát triển cả ba lĩnh vực: vận tải khách giao thông thủy, vận chuyển hàng hóa, du lịch sông. Thế nhưng dường như nguồn tài nguyên này không được khai thác hiệu quả, dẫn tới sự uổng phí trong việc phát triển chung của thành phố.

Theo đánh giá của Sở GTVT, TP có tiềm năng, lợi thế lớn về hệ thống sông ngòi với 110 tuyến sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy, bao gồm tuyến đường thủy nội địa, tuyến hàng hải (tổng chiều dài hơn 975 km) cùng hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa và bến thủy nội địa rải khắp trên địa bàn TP. Tuy nhiên, việc tận dụng các đường sông, kênh, rạch này để giảm tải giao thông đường bộ, phát triển du lịch còn rất nhiều khó khăn, hạn chế.

Bến du thuyền

Hiện nay, TP có tổng cộng 302 bến thủy nội địa bao gồm các bến hành khách, bến hàng hóa. Các bến thủy này đã vận chuyển hàng triệu lượt hành khách và hàng triệu tấn hàng hóa mỗi năm từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây.

Trong đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 10 năm tới, trên cơ sở đề xuất của các sở và UBND các quận, huyện, Sở GTVT đề xuất TP đưa vào quy hoạch 412 vị trí đầu tư xây dựng bến thủy nội địa. Các vị trí này bao gồm 174 bến hàng hóa, 13 bến chuyên dùng, 175 bến hành khách, 28 bến khách ngang sông và 22 bến tổng hợp.

Việc phát triển thêm các bến phục vụ giao thông thủy là điều mong muốn của người dân và nhiều doanh nghiệp, thế nhưng nguồn lực đổ vào đây là không hề nhỏ, nên cần có nguồn vốn xã hội hóa đầu tư từ các đơn vị tham gia kinh doanh khai thác loại hình giao thông thủy. Nếu tạo ra được các kết nối đồng bộ, giữa giao thông thủy với hạ tầng giao thông đường bộ của thành phố thì rất tuyệt vời để chia sẻ gánh nặng giao thông hiện tại.

Bến du thuyền

Xa hơn, hoạt động du lịch sông nước sẽ phát triển và trở thành điểm nhấn cho du khách khi đến với Thành phố Hồ Chí Minh. Thử tưởng tượng những bến thuyền du lịch, du thuyền, dọc hai bên bờ sông Sài Gòn, tạo ra bộ mặt hiện đại của một thành phố năng động. Từ đây du khách có thể du lịch bằng đường sông và ven biển ra các tỉnh Miền Tây, Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang.

Việc khuyến khích đầu tư xã hội hóa bến bãi phải đi đôi với lợi ích cho nhà đầu tư, như phải kết nối được với các dự án dọc vùng sông nước. Ví dụ khi các bến này nối kết với các dự án dịch vụ thương mại, nhà hàng, cà phê… với mục tiêu trở thành điểm đến có thể phục vụ nhiều nhu cầu ăn, chơi, khám phá, của người dân thì chủ đầu tư sẽ được hưởng lợi, tăng sức hút cho các dự án, làm tiền đề để phát triển mạnh hơn nữa toàn hệ thống giao thông thủy.

Bến du thuyền

Một ví dụ khác về những khó khăn của những người chơi du thuyền, thực tế hiện nay ngành du thuyền cũng đang bắt đầu phát triển tại Việt Nam, việc sở hữu những du thuyền cỡ nhỏ 10 -15m là điều không khó với những người giàu, nhưng cái đau đầu nhất là bến bãi để đậu, thậm chí những nhà hàng bên sông dù có bến đậu nhỏ cũng không khuyến khích khách chạy du thuyền tới, vì rất phiền phức về thủ tục khi đậu để lên ăn uống hay cà phê.

Quốc Huy