Trong phân khúc xe đa dụng 5-7 chỗ có nhiều định nghĩa như: MPV, SUV, CUV, dù ở bất kỳ định nghĩa nào thì nhóm xe này cũng hướng tới sự đa dụng trong việc sử dụng hàng ngày. Cuộc đua tranh giành thị phần đang bắt đầu với những dòng xe mới được kỳ vọng phá được những trật tự đang có trên thị trường.
Tổng thể thị trường
Trong vài năm trở lại đây phân khúc xe đa dụng phổ thông dường như đã thiết lập được một trật tự ổn định trên thị trường mà trong đó không có sự thay đổi nào đáng kể. Nếu nói về doanh số bán tổng cộng hàng tháng của của phân khúc này thì không thể ai qua mặt được Toyota với hai dòng xe Innova và Fortuner, ưu thế của hai chiếc xe này sở dĩ bán chạy là có tính phổ thông rất lớn, vì dễ dàng sửa chữa và thay thế linh kiện ở mọi nơi với hệ thống đại lý rộng trên toàn quốc, hơn nữa linh kiện mua ngoài hệ thống cũng khá dễ dàng, xe giữa giá tốt và có tính thanh khoản cao. Hơn nữa với việc bổ sung kịp thời hai thế hệ mới Innova và Fortuner mới giúp cho thương hiệu này duy trì phong độ khiến nhiều đối thủ khó theo kịp.
Những chiếc xe đa dụng 05 chỗ khá thành công tiếp theo phải kể tới như Honda CR-V, đây quả là một chiếc Crossover cứu cánh cho toàn thể doanh số bán chung của Honda Việt Nam kể từ sau thời đỉnh điểm chiếc Honda Civic thế hệ thứ 8 làm mưa gió trên thị trường, CR-V hiện tại vẫn đóng vai trò quan trọng trong các sản phẩm ô tô Honda cung cấp tại Việt Nam với con số bán ở mốc trung bình 500 chiếc một tháng. Thành công ngay với lần đầu tiên trình làng ở Việt Nam phải kể tới Mazda CX-5 với ngôn ngữ thiết kế Kodo được áp dụng cùng công nghệ Sky Active, chiếc xe có doanh số bán ổn định và luôn đứng đầu phân khúc đa dụng 05 chỗ với trung bình hơn 500 chiếc/ tháng và cá biệt trong tháng 12 bán tới 1059 chiếc. Nhưng bên cạnh đó cũng có những thương hiệu xe rất tốt nhưng sản phẩm xe đa dụng bán lại èo uột như: Renault, Peugeot, Chevrolet, Subaru, Suzuki.
Trái ngược với thành công của những chiếc đa dụng mang thương hiệu Nhật Bản thì những chiếc SUV Hàn Quốc lại có doanh số bán không như kỳ vọng: Kia Sorento, Sportage, Rondo. Sáng giá nhất đó là mẫu SUV đa dụng khác là Hyundai SantaFe sau khi nhập khẩu thì đã được lắp ráp tại Việt Nam, dù không công bố doanh số bán hàng tháng nhưng thực tế là mẫu xe này bán khá chạy và cũng là một trong những mẫu đa dụng bán nằm trong tốp đầu thị trường.
Ở phân khúc xe đa dụng hạng sang dù có doanh số bán tổng cộng không nhiều như các dòng xe phổ thông, nhưng trong thị phần chật hẹp như vậy lại có số lượng các dòng xe khá phong phú cho khách hàng. Đối với BMW thì cho tới thời điểm này các thế hệ xe đa dụng mới thuộc X series đã trình làng đầy đủ tại Việt Nam, từ loại đa năng đô thị như X1 cho tới chiếc lớn nhất là BMW X5 hay thể thao như X6. Trong dòng SUV của Audi hiện tại mới chỉ có Q7 là mang ngôn ngữ mới nhất, trong khi đó Q3, Q5 vẫn là ngôn ngữ cũ chưa có sự thay đổi, tuy nhiên thì chiếc Q5 vẫn là chiếc SUV bán chạy nhất của Audi tại thời điểm này, trong tháng 10 thì thương hiệu này cũng đã thử nghiệm khi đưa SUV Q2 tham gia phân khúc đô thị. Trong khi đó đối với Mercedes-Benz mẫu xe SUV chủ lực hiện tại GLC thay thế cho chiếc GLK được kỳ vọng sẽ đứng thứ hai về doanh số sau chiếc xe sedan bán chạy số một C-Class.
Các hãng xe hạng sang còn lại như: Lexus với các dòng chủ lực như RX 350 và LX 470 đáng chú ý là có thêm những phiên bản mang động cơ tăng áp có lợi về thuế TTĐB như RX200t hoặc NX200t, Land Rover vẫn chú tâm vào hai chiếc xe bán chạy nhất là Evoque và New Discovery Sport. Riêng dòng xe thể thao nhà giàu Porsche vẫn do chiếc SUV cỡ nhỏ Macan một mình một chợ và chỉ gần đây thôi mới chịu sự cạnh tranh của Maserati Levante và Jaguar F-Pace, nhưng xem ra hai đối thủ còn lại phải rất cố gắng hơn nữa.
Nhân tố mới có chia sẻ thị phần?
Tiềm năng thị trường thì nhiều, nhưng dung lượng tiêu thụ hàng tháng của dòng xe đa dụng lại có giới hạn, có nghĩa là những nhân tố mới tham gia phân khúc này phần lớn hy vọng là sẽ chia sẻ lại thị phần đang được tập trung ở những chiếc xe top đầu như: Innova, Fortuner, CR-V, CX-5, SantaFe, và tìm kiếm thêm nguồn khách hàng mới bằng chính những thế mạnh riêng của mình, đặc biệt là thị trường đang nhộn nhịp phong trào kinh doanh Grab và Uber.
Không vì thế mà trong phân khúc xe đa dụng hạng phổ thông gần đây chứng kiến sự ra mắt của những mẫu xe đa dụng mang tầm chiến lược, thuộc những thương hiệu xe có phần lép vế trong phân khúc đa dụng thời gian qua. Mảng đa dụng của Isuzu mất hút nhiều năm sau chiếc Hi-Lander thì nay họ tự tin quay lại với một chiếc xe SUV hoàn toàn mới đã gặt hái được nhiều thành công là Isuzu mu-X thế hệ mới, đây là một chiếc xe 7 chỗ được trang bị hỗ trợ an toàn khá tốt, nhưng được định giá khởi điểm dưới 1 tỷ cho một thương hiệu Nhật là điều hiếm thấy và càng ngạc nhiên hơn khi Isuzu tự tin bảo hành xe lên tới 200.000km hoặc 5 năm, trên thực tế từ lúc ra mắt đến nay tuy không đột phá nhưng doanh số bán đều khoảng gần mốc 100 chiếc một tháng, đây cũng là một thành công bước đầu.
Không lâu sau khi mu-X ra mắt thì Mitsubishi Motor Vietnam trình làng chiếc Crossover Outlander với hai chọn lựa thuận tiện 5 chỗ hoặc 5+2, không thể phủ nhận ngoại hình của chiếc xe quá bắt mắt, trang bị công nghệ ở mức khá và ít trải nghiệm đầu tiên về chiếc xe này cho thấy nó ghi điểm ở sự vận hành nhẹ nhàng dễ dàng và rất thoải mãi, ở phiên bản 2.4L dẫn động 4 bánh còn thể hiện một khả năng địa hình ấn tượng, chiếc xe nhập trực tiếp từ Nhật và giá khởi điểm là 987 triệu đồng (phiên bản thấp 2.0L). Chiếc xe cũng dành sự quan tâm và có doanh số bán khoảng 100 chiếc ở tháng đầu tiên nhưng sau đó giảm đột ngột chỉ còn khoảng gần một nửa ở những tháng kế tiếp, điều này có thể dễ hiểu vì đối thủ tiềm tàng nặng ký đã xuất hiện, đó là chiếc Nissan X-Trail, và doanh số chỉ cải thiện đột biến ở tháng bán hàng chạy nhất cuối năm là tháng 12 với 169 chiếc.
Nissan Việt Nam đã thành công ngoài momg đợi với chiếc X-Trail, chiếc xe chiến lược này đã có các hoạt động truyền thông từ trước khi ra mắt lẫn sau đó, kết quả là doanh số mơ ước duy trì liên tục khoảng 300 xe/tháng là một điều không thể tin nổi và nó trở thành hiện tượng đối với một chiếc crossover mới toanh ra nhập thị trường.
Trong khi doanh số không mấy ấn tượng với chiếc Ford Everest mới thì Ford Việt Nam cũng chuẩn bị nhân tố mới cho thị trường là chiếc Ford Explorer sử dụng động cơ Ecoboost để cạnh tranh phân khúc SUV cao cấp, và chiếc xe đã có những tín hiệu tốt trên thị trường. Ở lĩnh vực xe sang thì Infiniti với chiếc QX60 phiên bản nâng cấp được coi là mẫu xe chủ lực của thương hiệu này tại Việt Nam, nhưng xem ra chưa thấy có sự đột phá.
Nhìn chung bản đồ thị trường xe đa dụng đã phần nào được vẽ lại sau khi có những nhân tố mới tham gia, nhưng vị trí thì sẽ ít có sự thay đổi nhiều ngoại trừ có một sự đột phá về giá của những nhân tố mới trong năm 2017 nếu như muốn mở rộng doanh số bán.
Quốc Huy