Với 135.000 đồng, hồ sơ đầy đủ, ai cũng có thể được cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) thẻ nhựa sau một tuần. Không ít người thờ ơ với quy định này, nhiều người rước bực mình khi chọn nhầm trung tâm “ma” khi nhờ dịch vụ đổi GLPX.

Việc đổi GPLX từ thẻ giấy sang thẻ nhựa (PET) đã có quy định với thủ tục và mức phí rõ ràng, nhưng nhiều người vẫn thờ ơ. Nhiều người chọn cách nhờ dịch vụ làm thủ tục và nhiều khi gặp phiền phức, rắc rối, mất tiền khi chọn nhầm dịch vụ “ma”.

Đừng mất tiền không đáng

Anh V.H. ở Thanh Nhàn (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: đầu tháng 8-2019 có liên hệ với một “trung tâm bằng lái xe máy” ở Q.Thanh Xuân để đổi GPLX đã cũ nát sang PET. Rất nhanh chóng, trung tâm này cử một người tên Long đến tận nhà nhận hồ sơ, thu 200.000 đồng tiền làm thủ tục. Tưởng có thể nhận bằng tại nhà như lời hẹn, đợi khoảng 10 ngày anh V.H. nhận được cuộc gọi hẹn cùng lên Sở GTVT Hà Nội chụp ảnh vì “trung tâm” không thể làm hộ được.

Đến đầu ngõ 102 Trần Phú, Hà Đông, như lời hẹn, chúng tôi và anh V.H. đã thấy nhóm người đứng vây quanh một nam thanh niên, đó là những người nhờ trung tâm lo dịch vụ đổi GPLX, hầu hết họ là người ngoại tỉnh. Sau vài lời hướng dẫn ngắn gọn, nam thanh niên đưa hồ sơ cho từng người để tự tới Sở GTVT làm thủ tục, còn anh ta lên xe phóng đi vài phút sau đó.

Đến cổng Sở GTVT Hà Nội, chúng tôi giật mình khi nghe thấy “lời chào thân quen”, một anh lao ra vẫy xe hỏi “có làm thủ tục nhanh 200.000 đồng không?”. Chúng tôi lắc đầu từ chối, anh này liền biến mất nhanh chóng. Vào bên trong, chúng tôi gặp rất nhiều người đến làm thủ tục cấp, đổi GPLX.

Trong câu chuyện của họ, không ít người đã mất tiền oan vì những hứa hẹn “thủ tục nhanh gọn” trên mạng. Nhóm chúng tôi cũng vậy. Tại đây, chúng tôi phải viết lại hồ sơ, phải có chữ ký chính chủ, photo lại chứng minh nhân dân và bằng gốc, chụp ảnh tại chỗ…

Anh L.V.T. ở Mỹ Đình, Từ Liêm vừa phải viết lại tờ hồ sơ theo mẫu khác vừa bức xúc cho biết GPLX của mình được tỉnh Nghệ An cấp, do đang sống ở Hà Nội, cũng bận công việc nên làm dịch vụ đổi GPLX nhanh 3-7 ngày qua một trung tâm ở Tây Sơn, Đống Đa. Anh đã nộp 360.000 đồng và được hứa hẹn khi nhận bằng sẽ nộp thêm 135.000 đồng. Tiền dịch vụ đã gửi rồi và cuối cùng vẫn phải tự thân đi làm thủ tục theo quy định.

Các cán bộ ở Sở GTVT Hà Nội liên tục khẳng định không biết và không có sự liên kết hay hợp tác nào giữa Sở GTVT với những trung tâm trên. Các anh V.H., V.T. với cả tôi sau đó có gọi lại số điện thoại đã hẹn mình lúc trước và tuyệt nhiên nhận được phản hồi là máy bận hoặc thuê bao không liên lạc được… Nghe thấy vậy, nhiều người mới ngã ngửa, biết mình đã mất tiền vì cú lừa từ những trung tâm “ma”. Mỗi người một ít, ngày ngày vẫn có nhiều người mất tiền theo cách này.

Cẩn trọng với lời rao

Sau 3 năm thực hiện lộ trình đổi GPLX từ thẻ giấy sang PET, chiếc thẻ giấy vẫn nằm yên trong ví, nhiều người vẫn không nghĩ đến chuyện làm thủ tục chuyển đổi. Lý do chủ quan là bởi GPLX rất ít khi sử dụng (chỉ cần khi có vi phạm giao thông bị xử phạt hành chính). Thực tế nhiều người chưa biết đến quy định trong điều 57 thông tư 58/2015 về lộ trình chuyển đổi GPLX.

Vì không quan tâm và không rõ quy định này, nhiều người có GPLX từ các tỉnh xa nay sinh sống tại các thành phố lớn không biết mình có thể cấp đổi thẻ nhựa ở sở GTVT nơi gần nhất, mà chọn cách nhờ dịch vụ để “làm nhanh nhất, gần nhất”.

Lên mạng gõ cụm từ “đổi bằng lái Hà Nội” hoặc “đổi giấy phép lái xe sang thẻ PET” là sẽ ra ngay hàng chục trang web với những lời giới thiệu dịch vụ hết sức ngọt tai, dễ dàng thuận lợi kiểu như “Dịch vụ cấp lại bằng mới, đổi bằng lái xe Hà Nội nhanh nhất, chỉ cần 10 phút, tiện lợi nhất, hỗ trợ tận nhà, trả bằng tận tay…”.

Trong số này có những website của các trường dạy lái xe (có địa chỉ, số điện thoại hẳn hoi), cũng có những nơi tự giới thiệu là “có liên kết” với Sở GTVT Hà Nội. Nhiều nơi luôn sẵn sàng trao đổi qua điện thoại, tin nhắn trả lời ngay mọi yêu cầu.

Điều 57 thông tư 58/2015 quy định lộ trình đổi GPLX sang thẻ nhựa (PET) như sau:

– GPLX ôtô và giấy phép lái xe hạng A4: trước ngày 31-12-2016.

– GPLX không thời hạn (các hạng A1, A2, A3): trước ngày 31-12-2020.

Sau 6 tháng theo lộ trình này, người có GPLX phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại GPLX.

Giá cả cũng được rao công khai như GPLX xe máy hạng A1 được rao làm nhanh tiền hồ sơ 150.000 – 200.000 đồng, cộng 135.000 đồng tiền in bằng. Một số nơi còn rao làm nhanh giá 500.000 đồng mọi thủ tục, chỉ việc ở nhà nhận GPLX. Với GPLX ôtô các hạng B1, B2, C… chuyển đổi dịch vụ nhanh có giá 500.000 – 1 triệu đồng…

Những lời rao kiểu này luôn thu hút những người bận rộn, ngại mất thời gian. Dịch vụ hữu ích khi có cầu có cung, đôi bên cùng có lợi. Nhưng thực tế có không ít người mất tiền mà không được hỗ trợ gì.

Viết lại chuyện này, chúng tôi mong góp lời cảnh báo những ai chưa đổi GPLX cần cẩn trọng khi chọn dịch vụ hỗ trợ thủ tục.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phan Thị Thu Hiền, phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, khuyến cáo người dân nên trực tiếp đến các điểm tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX (được đăng công khai trên trang thông tin điện tử của các Sở GTVT).

Hồ sơ đổi GPLX gồm: đơn đề nghị đổi GPLX theo mẫu; giấy khám sức khỏe lái xe theo quy định; bản sao GPLX, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu.

Hồ sơ nộp tại Sở GTVT nơi thuận lợi nhất, không bắt buộc đến đúng sở GTVT nơi đã cấp GPLX. Sở GTVT sẽ tiếp nhận, thẩm định, xác minh hồ sơ (nếu GPLX xin đổi không do cơ quan đó cấp) cấp đổi GPLX và cắt góc GPLX cũ (trừ GPLX do nước ngoài cấp). Ảnh người đổi GPLX được chụp trực tiếp tại cơ quan cấp GPLX và xuất trình bản chính hồ sơ nêu trên để đối chiếu.

Cá nhân có thể nộp hồ sơ trực tiếp đến sở GTVT hoặc kê khai trực tuyến. Đối với kê khai trực tuyến, người có nhu cầu đổi GPLX kê khai đơn đề nghị đổi qua mạng, đặt lịch hẹn, đến nộp đầy đủ hồ sơ và chụp ảnh theo lịch hẹn. Thời hạn giải quyết sẽ được sở GTVT thực hiện trong thời gian không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Lệ phí là 135.000 đồng/GPLX.

 

Theo TUẤN PHÙNG Tuổi Trẻ Online 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *