Cần làm rõ hiệu quả thí điểm
Đánh giá về hoạt động của xe Grab, Uber hiện nay, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng: Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động kinh doanh vận tải là rất đúng, từ đó sẽ gợi mở ra nhiều phương thức nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhưng từ thực tế hoạt động của loại phương tiện này, ông Quốc cho rằng, từ lâu ông đã nhìn thấy một nguy cơ rất lớn. “Đơn cử, Bộ GTVT đưa một loại hình kinh doanh vào thí điểm nhưng cơ quan quản lý không kiểm soát được hoạt động, thu chi, chủ quản luôn là đơn vị ẩn danh thì rất nguy hiểm. Báo chí đã gọi đây là “xe tàng hình” là rất đúng bản chất”, ông Quốc nhấn mạnh.
Từ thực tế trên, ông Quốc đặt vấn đề: Nguy cơ ở đây đang xảy ra là gì? Là thị trường nằm trong tay người khác và người đó luôn trong tình trạng ẩn danh. Vậy quản lý nhà nước còn đóng vai trò gì ở đây? Thực tế, số lượng xe Grab, Uber tại Hà Nội và TPHCM đang vượt cả lượng taxi truyền thống chỉ sau gần 2 năm Bộ GTVT cho thí điểm. “Tuy gia tăng ngoài quy hoạch, ngoài sự kiểm soát nhưng họ lại đang nắm giữ vai trò gần như thống lĩnh thị trường vận tải taxi”. Với doanh thu, ông Quốc cho rằng, hiện nay đại diện xe Grab, Uber chỉ đóng thuế trên 20% tổng thu nhập được trích từ doanh thu của lái xe, sau khoản đóng thuế này doanh nghiệp chuyển toàn bộ tiền ra nước ngoài. Nhưng họ mang đi bao nhiêu và 80% thu nhập còn lại của lái xe được hưởng là bao nhiêu, hiện cũng đang là ẩn số với cơ quan chức năng. “Nếu cơ quan quản lý không chấn chỉnh kịp thời, thì sau khi tạo ra được hiệu ứng xã hội, sẽ có hai nguy cơ xảy ra. Thứ nhất, họ sẽ giết chết taxi truyền thống, để độc quyền và quyết định mọi thứ. Thứ hai, họ có thể buông, để lại hậu quả tiêu cực về mặt xã hội”, ông Quốc cảnh báo.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, Grab, Uber là loại hình vận tải mới, do vậy khi thí điểm Bộ GTVT cần phải có thời gian phù hợp. Tiếp đó, phải thường xuyên có sơ kết, đánh giá quá trình triển khai, đặc biệt là đánh giá tác động đến hoạt động vận tải, xã hội thế nào. Giao thông được gì, mất gì? Cái được thì cần phát huy, nhưng nếu cái mất nhiều hơn được thì phải chấn chỉnh, thậm chí tạm dừng để đánh giá cụ thể.
Hà Nội sẵn sàng “quản” chặt
Trước lượng xe Grab, Uber gia tăng không kiểm soát và phá vỡ quy hoạch số lượng phương tiện kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ, nhiều đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đồng tình với việc UBND thành phố đưa loại hình này vào diện quản lý như taxi. Là đại biểu vừa tham dự hội nghị phản biện dự thảo Nghị quyết về đề án trên do Ủy ban MTTQ thành phố đưa ra lấy ý kiến, đại biểu Nguyễn Hữu Trung Thành cho biết, cuộc họp đã tiếp nhận được nhiều ý kiến của đại biểu góp ý cho đề án. Với nội dung đưa xe Grab, Uber vào diện quản lý như taxi, ông Thành cho biết, hầu hết các đại biểu tán thành.
Đại biểu Vũ Ngọc Anh đánh giá, xe Uber, Grab này đang hoạt động như taxi. Do vậy cần được quản lý như taxi và tuân thủ các phương án tổ chức giao thông, quy hoạch về xe kinh doanh dưới 9 chỗ.
Với vai trò vừa là đại biểu HĐND vừa là trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố Hà Nội – ông Nguyễn Nguyên Quân cho biết, sau khi thẩm tra và lấy ý kiến các cơ quan ban ngành về Đề án kiểm soát xe cá nhân để trình kỳ họp HĐND vào đầu tháng 7 tới, đa số ý kiến đều thống nhất với các nội dung dự thảo đề án đề cập. Với nội dung xe Grab, Uber được quản lý như taxi, hầu các đại biểu đều nhất trí đưa vào dự thảo đề án. Theo ông Quân, Luật Thủ đô nêu rõ, việc tổ chức, thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo trật tự đô thị trong đó có kiểm soát phương tiện là thẩm quyền của thành phố Hà Nội. Nếu đề án được kỳ họp HĐND thông qua vào sắp tới, thành phố Hà Nội sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và ra nghị quyết để triển khai ngay.
Theo Tiền Phong