Không có độ trễ, phản hồi ga tức thì, tăng thêm công suất và phục hồi năng lượng. Đây là những ưu điểm mà E-Turbo hay còn gọi là Turbo điện mang đến, nhưng hiện tại nó chỉ dường như sử dụng cho xe đua F1 và một số xe có có hiệu năng cao.

Tuy nhiên với sự phát triển của pin và áp dụng những cấu trúc điện trên ô tô lớn hơn sẽ cho phép triển khai turbo điện rộng rãi hơn trên xe phổ thong, đây cũng là cách mà những mẫu xe có động cơ đốt trong có thể nói chuyện tốc độ sòng phẳng với những mẫu xe thuần điện đang được ca ngợi là có mô-men xoắn lớn tức thì và không bị trễ.

Ai cũng biết rằng tất cả những hệ thống tăng áp truyền thống dựa vào cơ cấu khí xả luôn có độ trễ nhất định, dù đó là kiểu tăng áp đơn, tăng áp cuộn đôi hay tăng áp kép, thì cũng có một khoảng trễ ở những vòng tua sớm vì thiếu hụt khí xả không đủ lớn để làm quay cực đại các turbo nạp khí vào buồng đốt. Nhưng với turbo điện thì sao?

Đây là một bộ tăng áp hybrid thực sự thường được gọi là “e-turbo” hay Turbo điện kết hợp bộ tăng áp truyền thống với một động cơ điện tốc độ cao để quay bộ tăng áp theo tốc độ, tạo ra sức mạnh ngay lập tức khi bạn mở bướm ga. Tốc độ trục quay của tăng áp được điều chỉnh bởi một động cơ điện và không còn phụ thuộc vào dòng khí xả để làm quay turbo như truyền thống. Nó đã giải quyết vấn đề độ trễ và cung cấp một lợi thế quan trọng trong khả năng đề pa và rất nhạy khi chạm ga.

E-Turbo chìa khóa giúp xe động cơ đốt nói chuyện sòng phẳng với xe điện

Công nghệ turbo điện ưu việt như thế nhưng tại sao nó không áp dụng phổ biến trên các dòng xe? Câu trả lời ở đây là cấu trúc điện của những chiếc xe phổ thông, nó chỉ thường là 12 volt hay vài năm trở lại đây xuất hiện thêm cấu trúc 48 volt, những điều này không đủ để ứng dụng công nghệ turbo điện mà cần phải có thêm hệ thống pin mạnh. Nhưng với những thế hệ xe hybrid mới và khả năng trang bị pin lớn, hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ e-turbo trong thời gian sớm mà thôi.

Công nghệ E-turbo phát triển ngày càng mạnh nhờ những cải tiến lớn trong công nghệ động cơ điện không chổi than và hệ thống điện công suất cao của xe hybrid mới. Công nghệ này ban đầu được phát triển cho các ứng dụng hàng không vũ trụ, nơi mà chi phí không phải là vấn đề. Vì vậy, để làm cho tất cả điều này khả thi trong việc sử dụng nó cho ô tô phổ thông là tìm ra cách thương mại hóa công nghệ này với mức giá hợp lý cho người tiêu dùng đại chúng.

“Động cơ điện phải càng nhỏ gọn càng tốt để có thể kiểm soát được động lực của rô-to. Vì vậy, bắt buộc phải có được càng nhiều công suất càng tốt từ một động cơ điện nhỏ để cho phép turbo có tốc độ mong muốn. Trong một số trường hợp có thể lên tới 250.000 vòng/ phút trên các e-turbo. Vật liệu hiếm và tần số chuyển mạch cao là những thứ cần cân nhắc sử dụng, để tăng mật độ công suất tối đa trong các kích thước giới hạn”.

E-Turbo chìa khóa giúp xe động cơ đốt nói chuyện sòng phẳng với xe điện

Những chiếc xe đua F1 sử dụng hệ thống điện 800 volt, điều này là quá tốt nhưng nó chưa được áp dụng nhiều ở xe thương mại mà chỉ có một vài hãng như Huyndai, nhưng cấu trúc điện 400 volt thì khá phổ biến và có thể áp dụng được, như chiếc Porsche 911 GTS mới vừa ra mắt sử dụng cấu trúc điện 400 volt, và hệ thống turbo điện của họ đặt tên là t-turbo, chiếc xe sử dụng một bộ pin chỉ để cung cấp năng lượng cho turbo điện, một bộ pin khác thì cung cấp điện cho động lực của xe kết hợp với động cơ đốt, và hệ thống tăng áp kép truyền thống đã bị loại bỏ. Kết quả là chiếc xe có khả năng tăng tốc ấn tượng không thua kém độ nhạy của những chiếc xe thuần điện, từ độ trễ khoảng 2 giây từ lúc khi đạp ga cho đến khi đạt được mô-men xoắn cực đại thì nay giảm xuống còn chỉ 0.5 giây. Đây là một ví dụ sinh động nhất về công nghệ turbo điện.

E-Turbo chìa khóa giúp xe động cơ đốt nói chuyện sòng phẳng với xe điện

E-turbo điện sẽ được trang bị trên các xe hiệu suất cao, dần dần nó sẽ được trang bị trên các mẫu xe phổ thông và tất nhiên là giá thành cũng sẽ hạ dần. Đây có lẽ sẽ là biện pháp để duy trì động cơ đốt trong, giúp nó không bị khai tử.

Tuấn Phạm