Theo những kết quả của một cuộc điều tra đã đưa ra kết luận: người dùng đang bị đánh lừa bởi tuyên bố của Google rằng, đối với những người đã tắt tùy chọn Location History: “những địa điểm họ đi đến sẽ không còn được lưu trữ nữa”.
Thực tế, ngay cả khi Location History đã được tắt đi, một số ứng dụng Google vẫn tự động lưu trữ các dữ liệu vị trí kèm theo nhãn thời gian mà không hề hỏi ý kiến người dùng. Chẳng hạn như, Google lưu trữ một snapshot của địa điểm người dùng đang đứng khi người dùng chỉ mở ứng dụng Maps ra dù chỉ một chút mà thôi.
Chưa hết, những lần cập nhật thời tiết tự động hàng ngày trên điện thoại Android cũng tiết lộ vị trí tương đối của người dùng. Và thậm chí một số tìm kiếm nghe chẳng liên quan gì đến địa điểm, như “bánh chocolate”, hay bộ dụng cụ khoa học cho trẻ em “kids science kits”, cũng ghi lại kinh độ và vĩ độ chính xác của người dùng – với độ chính xác trong vài mét vuông – và lưu thông tin vào tài khoản Google của người dùng.
Trả lời lại vấn đề, Google đưa ra một tuyên bố nhằm bảo vệ cho hành động của hãng: “Có nhiều cách khác nhau Google sử dụng vị trí để cải thiện trải nghiệm người dùng, bao gồm: Location History, Web and App Activity, và thông qua dịch vụ định vị Location Services ngay trên thiết bị. Chúng tôi cung cấp những diễn giải rõ ràng về các công cụ, và kiểm soát chặt chẽ để người dùng có thể bật/tắt, và xóa lịch sử của họ bất kỳ lúc nào”
Dù tuyên bố của Google về mặt kỹ thuật là đúng, nhưng vấn đề chính là có quá nhiều dịch vụ của công ty đang theo dõi vị trí của người dùng, do đó việc họ biết cụ thể có chính xác bao nhiêu dịch vụ cần phải tắt đi để có lại được sự riêng tư vốn có là gần như bất khả thi. Jonathan Mayer, nhà khoa học máy tính tại Đại học Princeton và cựu giám đốc công nghệ tại Phòng thực thi Luật pháp thuộc Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ, cho biết: “Nếu cho phép người dùng tắt đi những thứ như ‘Location History’, thì mọi nơi khác – những nơi họ duy trì lịch sử vị trí – cũng phải được tắt theo. Việc đó có vẻ khá dễ dàng?”.
Theo Nguoivietphone