Chất lượng là thứ mà một nhà sản xuất xe có thể kiểm soát được, nhất là ở thời điểm ngày nay khi công nghệ đã phát triển. Tuy nhiên vẫn còn một thực tế là độ bền bỉ vật liệu, chất lượng còn lại theo thời gian thì Kia và Hyundai vẫn có phần kém so với xe Nhật, điều này cũng lí giải tại sao xe Nhật giữ giá tốt hơn xe Hàn.
Nhiều người nói rằng Hyundai và Kia khó có thể so sánh về chất lượng với Toyota và Honda trên bình diện chung, thật sự đây là một sự hiểu sai về thị trường, nhất là nhiều năm trở lại đây khi công nghệ đã phát triển, và nguồn tài chính dồi dào có thể giúp các hãng xe Hàn chiêu mộ được các nhân tài từ đối thủ, nhưng sao họ vẫn không nâng chất lượng xe của họ lên bằng hoặc thậm chí là vượt các ông lớn của Nhật.
Xuất phát từ thị trường và các công ty muốn nhắm vào túi tiền của những đối tượng mà họ làm ra một sản phẩm phù hợp. Các công ty khôn ngoan là sản xuất các sản phẩm phù hợp với tiêu chí nhất định phù hợp với thị trường ngách mà họ muốn khai thác. Thay đổi chiến lược thị trường từ thị trường này sang thị trường khác là rủi ro và có thể dẫn đến thất bại trong kinh doanh. Làm ra một sản phẩm có chất lượng ngang bằng với đối thủ chưa chắc là hướng đi đúng, đôi khi còn gây ra vô vàn khó khăn khi phải đối đầu trực diện 50-50.
Thay vào đó, các công ty sẽ cố gắng mở rộng thị trường của họ để chiếm lĩnh với sản phẩm đã tính toán trước sẽ khả thi hơn, chẳng hạn như chất lượng thấp hơn một chút để giá mềm hơn khai thác rộng hơn. Thậm chí nếu như Hyundai hay Kia làm ra sản phẩm chất lượng ngang bằng với Toyota hay Honda, và bán giá thấp hơn một chút thì cũng không thể lấy được nhiều khách hàng phân khúc của Toyota hay Honda, điều này có khi lại gây lãng phí và kém hiệu quả kinh tế.
Chất lượng là một phần trong tổng thể tiếp thị thương hiệu. Thật ngây thơ khi cho rằng chất lượng tốt hơn luôn có nghĩa là tốt hơn cho thương hiệu. Chất lượng phải phù hợp với các khía cạnh khác của chiến lược tiếp thị để thương hiệu có thể được định vị chính xác trong thị trường. Chất lượng luôn liên quan đến giá là điều hiển nhiên trong kinh tế, khi công ty quyết định tăng chất lượng sản phẩm thì điều đó cũng đồng nghĩa với giá thành sản phẩm tăng, có thể một số khách hàng chấp nhận điều này khi chi thêm tiền cho một sản phẩm chất lượng hơn. Tuy nhiên, không phải mọi khách hàng đều sẵn lòng và sẵn tiền mua sản phẩm chất lượng cao.
Dường như Hyundai hay Kia đều tập trung vào ngân sách có thể có của số đông khách hàng để họ xây dựng ra sản phẩm. Không hẳn họ coi thấp chất lượng sản phẩm làm ra, mà tập trung cung cấp một gói giá trị vừa phải trên sản phẩm của mình kèm với gía cả phải chăng, như thế họ sẽ có một nhóm đối tượng tiêu dùng riêng phù hợp với tiêu chí này. Ngược lại thì Toyota và Honda có nhóm tiêu dùng chịu chi ra nhiều hơn một chút để có xe chất lượng cao hơn.
Chính vì thế Hyundai và Kia sẽ không nhất thiết làm xe chất lượng ngang bằng với Honda hay Toyota, đơn giản là nếu họ làm ra sản phẩm như thế sẽ rất khó khăn trong khâu tiêu thụ và tự giết chết mình, hơn nữa về tầm ảnh hưởng của thương hiệu thì không thể phủ nhận Toyota và Honda vẫn mạnh hơn. Tất nhiên là Kia và Hyundai vẫn có những sản phẩm chất lượng cao cấp như Kia Stinger, Genesis, nhưng đó chỉ là những bước đầu tiên xây dựng tầm ảnh hưởng trong suy nghĩ của người tiêu dùng. Dù sao cũng các thương hiệu xe Hàn sinh sau để muộn nên họ phải tìm hướng đi riêng cho mình tránh đối đầu.
Quốc Huy