Những ai từng quan tâm về Công nghiệp Ôtô (CNOT) của Việt Nam sẽ không khỏi bi quan vì bao nhiêu năm qua chúng ta ì ạch không phát triển nổi, nhất là thời điểm cận kề 2018. Tuy nhiên một số diễn biến gần đây lại thắp lên hy vọng dù chưa rõ ràng.
Công nghiệp phụ trợ đã có gì ?
Khi nói đến công nghiệp phụ trợ vốn là xương sống để phát triển ngành sản xuất ôtô thì có lẽ chúng ta phải xấu hổ vì nó đã được phát động tính bằng thập niên với những cam kết của nhà đầu tư lẫn nhiều chính sách khuyến khích của chính phủ, thế nhưng chúng ta thu hái kết quả rất khiêm tốn, sản phẩm phụ trợ làm ra có hàm lượng chất xám thấp, đơn giản như: kính, gương, ghế, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, một số sản phẩm nhựa. Trên thực tế nói công nghiệp phụ trợ của Việt Nam không phát triển cũng không đúng lắm, nhưng tỉ lệ nội địa hóa cho xe ôtô cao chỉ nằm ở xe thương mại, tức là xe từ 10 chổ trở lên và xe tải, còn với ôtô từ 9 chỗ trở xuống khi chúng ta chẳng làm được gì đáng là bao.
Thủa trước, cứ kèm theo một giấy phép đầu tư lắp ráp của một thương hiệu xe là lời hứa chuyển giao công nghệ lẫn tăng tỉ lệ nội địa hóa theo lịch trình, thế nhưng chúng ta được gì ngay khi Toyota là thương hiệu có sản lượng bán nhiều nhất tại thị trường Việt Nam cũng không tăng được tỉ lệ nội địa hóa là bao, dường như ngành công nghiệp xe (ôtô con) là ngành lắp ráp xe thì đúng nghĩa hơn.
Bài toán luẩn quẩn giữa quy mô thị trường và hiệu quả đầu tư sản xuất phụ trợ giải mãi không xong. Thuế và phí thay đổi nhảy múa liên tục khiến cho giá xe tăng chóng mặt khó tiếp cận được nhiều người sử dụng mặc dù nhu cầu thị trường rất lớn và có thật, sản lượng tiêu thụ thấp lại dẫn tới không đủ quy mô để mạo hiểm đầu tư sản xuất phụ trợ, làm ra bán cho ai?
Tia hy vọng cuối cùng?
Cơ hội phát triển CNOT chúng ta phải thực tế mà nói đã bỏ lỡ rất nhiều, và giờ nó chẳng giống ai, chỉ đến khi trước sức ép hội nhập mà cụ thể là khu vực tự do thương mại Asean trong cam kết thuế nhập khẩu xe về mức 0% ở thời điểm 2018 thì chúng ta mới sốt vó lên để làm, nhưng thôi có còn hơn buông luôn. Những tín hiệu gần đây cho thấy đang có những cố gắng đơn lẻ nhưng đầy hy vọng cho ngành CNOT Việt Nam.
Trong chuyến thăm chính thức của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản hồi đầu tháng 6, hai bên đã có những tuyên bố chung làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng hơn. Điểm đáng chú ý là nhấn mạnh CNOT Việt Nam là một nội dung quan trọng mà hai nước cùng quan tâm, Nhật Bản khẳng định hỗ trợ ngành CNOT và ngành Công nghiệp Phụ trợ Việt Nam.
“Việt Nam sẽ xem xét và thực hiện các biện pháp cụ thể và mạnh mẽ, phù hợp với Hiệp định WTO, với mục đích duy trì và mở rộng việc sản xuất nội địa xe nguyên chiếc (CBU) như một ưu tiên hàng đầu. Hai bên sẽ thành lập nhóm công tác và đưa ra các biện pháp cụ thể trong một kế hoạch hành động được xây dựng từ nay đến cuối năm. Nhật Bản khẳng định hỗ trợ ngành công nghiệp ôtô và công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.” – bản tuyên bố chung nêu rõ. Đây có thể được xem là cách tiếp cận ngắn nhất để cất cánh ngành CNOT nếu nó được hiện thực.
Có thể thấy sức ảnh hưởng của tiến trình thuế nhập khẩu ôtô trong khu vực về mức 0% trong năm 2018, đã thấy một số thương hiệu nắm thị phần lớn như Toyota chuyển sang nhập Fortuner từ Indonesia thay vì lắp ráp, Ford thì nhập Everest lẫn Ranger từ lâu. Nhưng bên cạnh đó vẫn có những đơn vị đầu tư theo đuổi sản xuất và lắp ráp như Hyundai Thành Công với SantaFe và gần đây nhất là chiếc xe đô thị Hyundai i10 đang đại náo thị trường với giá mềm, Trường Hải tiếp tục mở rộng danh mục lắp ráp ở hai thương hiệu Kia và Mazda, Nissan với X-Trail và Sunny.
Đáng chú ý Trường Hải đã xây dựng nhà máy mới sản xuất lắp ráp xe Mazda trên diện tích 35ha (trong đó 12ha nhà xưởng). Nhà máy có công suất 100.000 xe/năm với tổng vốn đầu tư 12.000 tỉ đồng. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động tháng 4-2018, những chiếc xe Mazda do Trường Hải sản xuất sẽ có tỷ lệ nội địa hóa 40%, đủ đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường các nước thuộc ASEAN.
Mới đây nhất dù chỉ dừng lại ở đề xuất thôi nhưng cũng mang thêm hy vọng phấn khởi cho những đơn vị tâm huyết với sản xuất lắp ráp, đó là “Bộ Công Thương đề xuất không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước của ôtô. Đây được xem là ưu đãi lớn chưa từng có cho các liên doanh hoặc Doanh nghiệp làm phụ trợ ôtô nếu được thông qua” . Rõ ràng nếu điều này là sự thật thì nó tiếp sức rất nhiều cho những đơn vị lắp ráp và là nhân tố kích thích để các thương hiệu chưa có nhà máy ở khu vực Asean có thể chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất phục vụ cho thị trường 100 triệu dân và xuất khẩu ngược ra các nước Asean. Trong khi đó tập đoàn BMW cũng đang ngỏ ý xây dựng cơ sở sản xuất linh kiện tại Việt Nam để có thể xuất khẩu đi khắp thế giới.
Quốc Huy
Có thể bạn quan tâm
Có nên “hoãn cái sự sung sướng” sở hữu ôtô