Doanh số giảm sút khiến “cơm không lành canh không ngọt” giữa Porsche và đại lý ở Trung Quốc. Suy thoái kinh tế và cạnh tranh gay gắt hơn từ các thương hiệu nội địa có thể gây rắc rối cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu tại Trung Quốc vì doanh số giảm
Tranh chấp giữa Porsche và các đại lý tại Trung Quốc về doanh số bán xe điện có thể khiến các nhà sản xuất châu Âu phải suy nghĩ lại về chiến lược cố gắng duy trì tính cạnh tranh tại quốc gia này. Trước tình hình doanh số bán ô tô điện đang sụt giảm trước sự cạnh tranh ấn tượng trong nước, truyền thông Trung Quốc đã đưa tin về mối quan hệ căng thẳng giữa nhà sản xuất ô tô Đức và các đại lý đang bị siết chặt.
Doanh số giao hàng của Porsche tại Trung Quốc đã giảm 15% vào năm 2023 và tiếp tục tệ hơn trong năm nay, buộc các đại lý phải giảm giá xe điện của họ đến mức lỗ doanh thu bán hàng nhằm đạt được mục tiêu doanh số.
Theo báo cáo từ Jiemian News, ba đại lý đã yêu cầu Porsche bồi thường thiệt hại của họ dưới hình thức trợ cấp cho hàng tồn kho mới. Không những các đại lý không nhận được phản hồi tích cực mà Porsche Trung Quốc còn bị cáo buộc đã ngừng gửi hàng mới cho họ.
Tuần trước, Porsche và các đại lý tại Trung Quốc đưa ra tuyên bố cho biết họ đang phải đối mặt với những vấn đề phức tạp và sẽ hợp tác để tìm ra những cách hiệu quả nhằm ứng phó với những thay đổi của thị trường. Tuy nhiên, đây là lời cảnh báo cho các hãng xe nước ngoài khác. Với các mức thuế trả đũa sắp xuất hiện và cuộc chiến về giá xe điện đang diễn ra, điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất ô tô châu Âu có thể cần phải xem xét đa dạng hóa chiến lược của mình.
Trung Quốc là thị trường ô tô lớn nhất thế giới, cả về cung và cầu. Số lượng đăng ký ô tô của Trung Quốc đã tăng lên khoảng 25,8 triệu chiếc vào năm 2023, tăng khoảng 11%.
Nhưng đối với các nhà sản xuất ô tô châu Âu, rắc rối đã được báo cáo. Theo Wall Street Journal, doanh số giao hàng trong quý đầu tiên của Porsche tại Trung Quốc đã giảm 24% so với một năm trước đó, trong khi doanh số bán hàng của Ferrari trong quý này cũng giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Mercedes-Benz và BMW cũng bán được ít xe hơn ở Trung Quốc trong quý đầu tiên so với năm ngoái.
Trong khi nhiều thương hiệu xa xỉ, bao gồm các thành trì thời trang như LVMH và Gucci, chứng kiến doanh số sụt giảm do kinh tế suy thoái, thì ngành công nghiệp ô tô lại phải đối mặt với một thách thức khác. Xe điện nội địa của Trung Quốc không chỉ có giá cả phải chăng hơn, chúng đang được xem là những lựa chọn thay thế khả thi cho phân khúc cao cấp do người Đức thống trị theo truyền thống.
Các thương hiệu Đức vẫn được ưa chuộng bởi những người mua ô tô có giá trên 350,000 nhân dân tệ (48.300 USD), nhưng thị trường đang thay đổi. Những hãng như BMW, Mercedes-Benz và Audi từng thống trị trong lĩnh vực ô tô có giá từ 250.000 nhân dân tệ (34.500 USD) trở lên, với thị phần 60% vào năm 2020. Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm, con số đó đã giảm xuống còn 45%. với doanh số bán hàng thuộc về Tesla, cũng như BYD và Li Auto.
Với các lựa chọn trong nước nhanh chóng tiếp thị công nghệ mới, bao gồm các tính năng tự lái tiên tiến cũng như công nghệ động cơ và pin tiên tiến, liệu những logo xe Đức có cho phép các nhà sản xuất ô tô Đức tiếp tục thống trị phân khúc xe cao cấp trong bao lâu?
Tuấn Phạm