Trong nhóm hạng A của giấy phép lái xe, Bộ Công an đề xuất ba hạng thay vì bốn hạng như hiện nay.
Tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (GTĐB) mới nhất, Bộ Công an đề xuất phân giấy phép lái xe (GPLX) thành 11 hạng thay vì 13 hạng như đề xuất trước đó. Đặc biệt, dự thảo mới nhất không còn bắt buộc người điều khiển xe có dung tích xylanh dưới 50 cc (xe điện) phải học bằng lái như dự thảo ban đầu.
Bổ sung và xóa nhiều hạng bằng
Cụ thể, dự luật bổ sung hạng mới A01, cấp cho người lái mô tô hai bánh có dung tích xylanh 50-175 cm3 hoặc động cơ điện có công suất định mức liên tục tương đương. Hạng A2 cấp cho người lái mô tô hai bánh có dung tích xylanh trên 175 cm3 trở lên hoặc động cơ điện có công suất định mức liên tục tương đương và các loại xe quy định cho GPLX hạng A01. Hạng A3 cấp cho người lái mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho GPLX hạng A01.
Hạng B cấp cho người lái ô tô chở người đến chín chỗ (kể cả chỗ của người lái xe); ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500 kg; các loại ô tô quy định cho GPLX hạng B có gắn kèm rơmoóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơmoóc không vượt quá 750 kg.
Hạng C cấp cho người lái ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế trên 3.500 kg; các loại ô tô tải quy định cho GPLX hạng C có gắn kèm rơmoóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơmoóc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho GPLX hạng B.
Hạng D2 cấp cho người lái ô tô chở người 10-30 chỗ (kể cả chỗ của người lái xe); các loại ô tô chở người quy định cho GPLX hạng D2 có gắn kèm rơmoóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơmoóc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho GPLX hạng B, C.
Hạng D cấp cho người lái ô tô chở người trên 30 chỗ (kể cả chỗ của người lái xe); các loại ô tô chở người quy định cho GPLX hạng D có gắn kèm rơmoóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơmoóc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho GPLX hạng B, C, D2.
Hạng BE cấp cho người lái xe để lái các loại ô tô quy định cho GPLX hạng B khi kéo rơmoóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơmoóc trên 750 kg.
Hạng CE cấp cho người lái xe để lái các loại ô tô quy định cho GPLX hạng C khi kéo rơmoóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơmoóc trên 750 kg; ô tô đầu kéo kéo sơmi rơmoóc.
Hạng D2E cấp cho người lái xe để lái các loại ô tô quy định cho GPLX hạng D2 khi kéo rơmoóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơmoóc trên 750 kg. Hạng DE cấp cho người lái xe để lái các loại ô tô quy định cho GPLX hạng D khi kéo rơmoóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơmoóc trên 750 kg; ô tô chở khách nối toa.
Như vậy, trong nhóm hạng A của GPLX, Bộ Công an đề xuất ba hạng thay vì bốn hạng như hiện nay. Với nhóm B, bộ này gom hạng B1 và B2 thành hạng B. Đồng thời, thêm hạng D2, BE, CE, D2E, DE nhưng bỏ hạng FB2, FD, FE, E, FC.
Đặc biệt, từ cách phân hạng nêu trên có thể thấy đối tượng điều khiển xe có dung tích xi-lanh dưới 50 cc bị loại bỏ, không được quản lý. Trước đó, trong một số dự thảo cũ, Bộ Công an từng đề xuất xếp hạng GPLX cho người lái xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xylanh dưới 50 cc hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4 kW.
Có ý kiến băn khoăn
Trong báo cáo thẩm tra nội dung này của dự luật, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho biết có ý kiến cho rằng dự luật chia GPLX thành 11 hạng khác nhau sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lái xe. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên nhưng vẫn cho rằng việc phân hạng trên nhằm thống nhất với Công ước Vienna 1968 về GTĐB.
“Trong dự thảo luật đã có điều khoản chuyển tiếp, quy định chín loại GPLX được cấp theo Luật GTĐB năm 2008, còn thời hạn thì vẫn có hiệu lực (khoản 3 Điều 72), trường hợp cấp lại thì cấp theo quy định mới (khoản 2 Điều 72). Do đó, quy định mới này không ảnh hưởng đến quyền lợi của người đã được cấp GPLX…” – ông Võ Trọng Việt cho hay.
Về việc dự luật không còn giữ quy định cấp GPLX cho người lái xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xylanh dưới 50 cc hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4 kW, một chuyên gia trong lĩnh vực đường bộ cho rằng vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ. Vì hiện số lượng học sinh sử dụng xe đạp điện rất đông và tỉ lệ tai nạn có thương vong không hề nhỏ.
Do vậy, trong dự luật GTĐB, ban soạn thảo Bộ GTVT từng phân tích và đưa quy định trên vào nhằm nâng cao ý thức của học sinh, cũng như trang bị kiến thức, kỹ năng lái xe cho các em. “Vì vậy, tôi cho rằng Bộ Công an nên cân nhắc nhằm bịt lỗ hổng trong quản lý phương tiện này và góp phần tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông đối với nhóm người sử dụng xe điện, xe máy dưới 50 cc” – vị này cho hay.
Trong khi đó, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng việc quy định cấp GPLX cho đối tượng trên được đưa vào quy định về trách nhiệm của một số bộ, ngành tương tự như việc giáo dục pháp luật về giao thông được đưa vào hệ thống giáo dục quốc dân và các trường nghề của Bộ LĐ-TB&XH.
“Chúng tôi cũng nghiên cứu để gắn với trách nhiệm của UBND các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở trong việc tuyên truyền, phổ biến, đào tạo kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Vì vậy, trong Luật Bảo đảm trật tự an toàn GTĐB không quy định về bằng A0” – đại diện Cục CSGT nói.
Tăng tuổi lái xe
Dự luật Bảo đảm trật tự an toàn GTĐB quy định GPLX hạng A01, A2, A3 không thời hạn. GPLX hạng B có thời hạn 10 năm. Các hạng còn lại gồm C, D2, D, BE, CE, D2E, DE có thời hạn năm năm. Dự luật này cũng quy định người đủ 18 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng A01, A2, A3, B. Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng C, BE. Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng D2, CE. Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng D, D2E, DE. Đáng chú ý, theo quy định hiện hành, tuổi lao động tối đa của người lái ô tô trên 30 chỗ là 50 đối với nữ và 55 đối với nam. Tuy nhiên, dự luật này quy định tuổi tối đa của người hành nghề lái ô tô chở người trên 30 chỗ phù hợp với tuổi lao động được quy định trong Bộ luật Lao động, tức nam sẽ là 62 tuổi và nữ 60 tuổi. |
Theo VIẾT LONG – TUYẾN PHAN PLO