Những điều tôi viết chẳng mới, nhưng mỗi khi nghe hay xem tin tức về những tai nạn giao thông thì lại cảm thấy thật đau lòng và ám ảnh. Cái chết nào thì cũng là sự kết thúc, nhưng cái chết dưới gầm bánh xe thì thật quá đau đớn cho người ra đi lẫn người ở lại, kiểu kết thúc cuộc sống như này lại xảy ra nhan nhản hàng ngày mà có lẽ chỉ có nhiều ở Việt Nam.
Tôi vẫn thường hay nói đùa mà thật một câu nói “chạy một chiếc xe ô tô cũ dù sao cũng là khung sắt bọc người, cho dù ở tình huống xấu nhất thì cũng ít ra toàn thây hơn là bánh xe chèn qua người”.Thế đấy, đặc điểm giao thông tại Việt Nam người dân sử dụng xe máy quá nhiều, lại không có nhiều đường riêng để di chuyển mà phần lớn lại đi chung với các loại xe ô tô lẫn các phương tiện xe thương mại, dù cho có vạch kẻ làn đường dành cho xe máy nhưng thực sự nó vẫn tiềm ẩn rủi ro rất cao trong quá trình lưu thông, chỉ một sự va chạm nhỏ loạng choạng là có thể ngã ra đường và rồi các phương tiện to lớn đi phía sau không thể xử lý kịp. Hậu quả thì không thể đong đếm được: chồng mất vợ, con mất cha, các em học sinh sinh viên đi học thì chẳng về nhà nữa, hay đau lòng hơn là cả gia đình mất mạng dưới gầm bánh xe…. đau lắm, đau cho cả người ra đi và những tổn thương tinh thần không thể bù đắp cho người ở lại.
Nói đến phương tiện xe máy, đó quả là thứ phương tiện thuận lợi để di chuyển trong các thành phố lớn chật chội mà ai cũng phải công nhận, điều đó hoàn toàn đúng trong bối cảnh hiện tại khi giao thông đã quá tải bởi số lượng xe ô tô ngày càng phát triển về số lượng ở những thành phố lớn. Nhưng phương tiện xe máy với mật độ quá dày đặc lại trở nên nguy hiểm và tiềm ẩn quá nhiều rủi ro khi lưu thông, mặc dù chúng ta đã áp đặt bắt buộc xe phải trang bị kính chiếu hậu và người tham gia giao thông lái xe máy phải đội nón bảo hiểm, nhưng như thế vẫn chẳng khiến loại phương tiện này an toàn hơn khi mà việc lưu thông vẫn phải chung đường với xe ô tô, xe tải. Chưa kể phần lớn những chiếc xe máy phổ thông sản xuất ra không có hệ thống chống bó cứng phanh ABS, một công nghệ giúp giảm thiểu việc mất kiểm soát xe và té ngã khi phanh gấp.
Bất kể một quốc gia nào cũng sẽ trải qua nền văn minh xe ô tô, chỉ có điều nó đến sớm hay muộn, phụ thuộc vào tầm nhìn của quốc gia đó có những chính sách để người dân tiếp cận được loại phương tiện văn minh này hay không? Nhưng hãy thừa nhận với tôi rằng, nếu phần đông người dân được di chuyển trên những chiếc ô tô cá nhân dù sang hay bình dân, mới hay cũ, thì tôi tin sẽ không có nhiều cái chết “dưới gầm bánh xe”quá đau lòng.
Nói tới đây nhiều người sẽ vặn lại tôi hai câu hỏi rằng: Phần đông người dân làm gì có tiền mua xe? Ai cũng mua thì đường đâu mà chạy? Đây quả thực là vòng luẩn quẩn mà bao lâu nay những chính sách đưa ra đều bị chi phối dựa trên hai yếu tố này.
Ở phần câu hỏi thứ nhất, nếu các chính sách từ lâu đều tạo điều kiện thuận lợi để có những chiếc ô tô có giá thật sự phù hợp, không đội lên bởi thuế và phí thì tôi tin không phải là tất cả nhưng rất nhiều gia đình ở Việt Nam đủ tiền tậu xe, ít nhất là một chiếc xe phổ thông nhỏ gọn cũ hoặc mới. Chỉ cần giá xe như bên Ấn Độ thôi thì đó là một điều kỳ diệu để rất đông người dân có được xe ô tô, có ô tô rồi thì tôi tin nó sẽ kích thích dây chuyền để nhiều ngành nghề dịch vụ khác phát triển theo mang lại ích lợi cho nền kinh tế.
Câu hỏi thứ hai xem ra còn khó hơn. Ô tô đầy đường thì đi kiểu gì? Vâng, nếu ô tô bằng một “phép màu” nào đó mà giá rẻ, được nhiều người dân mua sử dụng thì sẽ gây ra một kiểu giao thông bát nháo và thậm chí tê liệt ở các thành phố lớn là điều hoàn toàn chắc chắn xảy ra. Nhưng dưới góc nhìn cá nhân của tôi đó là một khó khăn ban đầu, nhưng sau đó nó sẽ có tác động tích cực trở lại, nghĩa là có sự tự điều tiết giãn dân tự nhiên theo nhu cầu sống ra các khu đô thị vệ tinh gần các thành phố lớn (từng xảy ra với Thái Lan), điều này là hiển nhiên với những người có xe ô tô muốn có nơi ở đường xá thông thoáng.
Tiếp đến, nó sẽ kéo theo các văn phòng, công ty sản xuất dời ra xa các quận nội thành, áp lực giao thông trong nội thành sẽ giảm và các phương tiện vận tải hành khách sẽ hoạt động đúng quy định hơn không bát nháo. Những con đường nâng cấp, hay đường mới mở kết nối với các đô thị thì phí đầu tư sẽ rẻ hơn là chi chí đền bù mở rộng đường trong trung tâm thành phố để giải quyết kẹt xe.
Khi nhà nhà có xe ô tô thì áp lực của ngành vận tải công cộng cũng giảm đi, mật độ xe máy giảm đi, các chuyến xe khách liên tỉnh cũng giảm đi vì dân có thể đi xa bằng ô tô cá nhân, các phương tiện vận tải hàng hóa có cơ hội hoạt động theo giờ giấc phù hợp ra vào thành phố mà các tài xế không phải chạy xe sai nhịp giờ sinh học. Khi nhà nhà có xe cùng với sự phát triển của hệ thống tàu điện, cao tốc liên tỉnh thì chẳng cần cấm xe máy thì tự nó cũng giảm dần, nên nhớ rằng người dân luôn hướng tới phương tiện an toàn và văn minh hơn đó là xe ô tô nếu xe rẻ trong tầm tay.
Hãy đặt lên bàn cân về lượng tác động xã hội giữa được và mất, khi thiết lập ra những hàng rào mềm để người dân khó tiếp cận với loại phương tiện an toàn như là ô tô cá nhân. Có thể phí và thuế cao thu được từ ô tô và nhiên liệu mang về một khoản rất lớn, nhưng bên cạnh đó hãy tính đến những tổn thất gián tiếp từ hàng trăm ngàn vụ tai nạn giao thông của loại phương tiện xe máy thiếu an toàn, mà hậu quả và tổn thất về vật chất con người vô cùng to lớn hàng năm cả xã hội phải gánh chịu. Nếu muốn giảm ngay đi hình ảnh những cái chết đau đớn dưới gầm bánh xe, không có con đường nào khác là người dân phải được sử dụng rộng rãi loại phương tiện an toàn là xe ô tô, hệ thống vận tải công cộng sạch sẽ văn minh.
Quốc Huy