Theo quy luật cung cầu, hàng hóa có giá càng cao thì nhu cầu tiêu thụ sẽ giảm, thế nhưng ở Việt Nam có một loại hàng hóa giá cao xa vời giá trị thật nhưng vẫn có đà tiêu thụ ngày càng nhiều đó là ôtô, nó một phần không đúng với quy luật cung cầu, vì người ta vẫn mua bất chấp giá cả.
Hai loại thuế chính của ôtô
Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào ôtô: có bản chất là loại thuế gián thu do người tiêu dùng chịu, đánh vào ôtô vì được quy định là loại hàng hóa đặc biệt với mức thuế suất rất cao, cần điều tiết mạnh nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Như vậy, không phải tất cả hàng hóa, dịch vụ đều là đối tượng chịu thuế của thuế TTĐB, thuế TTĐB đang đánh vào ôtô không được khuyến khích tiêu dùng đại trà do điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam, và loại hàng hóa ôtô phần lớn chỉ được sử dụng bởi những người có thu nhập cao và rất cao trong xã hội hiện nay tại Việt Nam.
Thuế nhập khẩu đánh trên linh kiện ôtô hoặc nhập nguyên chiếc khi vào vùng lãnh thổ Việt Nam tùy vào quy định và các cam kết thương mại, đặc điểm xe mà có nhiều mức: thuế nhập khẩu cho linh kiện (10-30%) hoặc xe nguyên chiếc (từ 30% trong năm 2017 và giảm dần 0% vào năm 2018 theo thỏa thuận thương mại Asean), đối với xe có nguồn nhập từ những khối hoặc các nước mà Việt Nam không có hiệp định hoặc thỏa thuận thương mại thì biểu thuế nhập khẩu vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó còn hai loại thuế khác cũng đáng kể vào giá của chiếc ôtô là thuế VAT và thuế trước bạ để chiếc xe được lăn bánh.
Đường đi của đồng tiền mua xe
Như chúng ta đã biết Việt Nam là quốc gia có thu nhập thấp nhưng giá ôtô rất cao, xa tầm với của đại đa số người dân để tiếp cận sử dụng được loại phương tiện văn minh này. Thế nhưng giờ đây nó lại trở thành một thị trường béo bở cho các hãng và nhà phân phối ôtô kinh doanh, bởi lớp người trung lưu đang dần ngày càng nhiều, bên cạnh đó thì tỉ lệ người thu nhập thấp cũng ngày càng gia tăng và có sự phân hóa. Về mặt nguyên tắc nếu các loại thuế thấp thì đương nhiên giá xe sẽ thấp và các nhà cung cấp sẽ bán được nhiều hơn, tuy nhiên ở Việt Nam có một nghịch lý là giá xe ôtô nói chung rất cao nhưng các nhà cung cấp lại vẫn bán được nhiều, và những đối tượng đủ tài chính để mua lại phần lớn thuộc vào lớp trung lưu bao gồm: doanh nhân, chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty, tầng lớp lãnh đạo cao cấp trong công ty….và chắc chắn phần lớn không có lao động phổ thông, hoặc thậm chí cả những nhân viên văn phòng có thu nhập tốt.
Và giờ đây chúng ta quan sát sự hình thành giá xe nó bao gồm: giá sản xuất hoặc giá nhập, tất cả các loại thuế nhìn thấy được, phần lợi nhuận trên sản phẩm, bên cạnh đó còn một lô các loại chi phí bán hàng phát sinh trong quá trình tiêu thụ ôtô như: Chi phí nhân viên, vận chuyển, bảo quản trưng bày, tiếp khách, sự kiện, quảng cáo, khấu hao TSCĐ, bảo hành, dịch vụ mua ngoài, mua bảo hiểm kho bãi… như thế chúng ta có thể hình dung từ quận giấy vệ sinh hoặc chai nước suối tiếp khách của doanh nghiệp cũng được tính vào giá bán của chiếc ôtô ra thị trường. Nếu chúng ta không nhìn sâu thì đúng thật chỉ có người mua xe là phải chịu toàn bộ các loại chi phí này, nhưng người mua xe ở Việt Nam phần lớn là trung lưu và nhà giàu họ có tiền từ đâu? Chính là chuỗi giá trị thặng dư từ những tầng lớp phổ thông hàng ngày sử dụng sản phẩm và dịch vụ tạo ra lợi nhuận cho các chủ doanh nghiệp. Nếu phải mua một chiếc ôtô mắc tiền thì cũng có thể số tiền đó là phần trích ra từ lợi nhuận, hoặc tăng một chút giá trên mỗi sản phẩm dịch vụ bán ra cho tầng lớp phổ thông, người tiều dùng.
Ví dụ khác nữa: Ông chủ doanh nghiệp gạo hoặc dầu ăn khi mua một chiếc xe ôtô thì chắc chắn lại tính nó vào phần TSCĐ và tiến hành khấu hao, và phần khấu hao này lại nằm trong chi phí mà người tiêu thụ sản phẩm cuối cùng phải gánh chịu. Từ ví dụ đơn giản này chúng ta có thể lần ra đường đi của một khoản tiền chi tiêu nào đó cho một sản phẩm, mà điển hình ở đây là ôtô.
Như vậy có thể thấy rằng thực tế khi những chiếc ôtô được liệt vào loại hàng hóa đặc biệt bị đánh thuế rất cao để mang về một khoản tiền lớn cho ngân sách, đồng thời là công cụ điều tiết sản xuất mặt hàng này thì nó lại tác dụng tiêu cực, mang gánh nặng tới tầng lớp lao động phổ thông chứ người trực tiếp sử dụng sản phẩm lại xem như không chịu nhiều gánh nặng thuế. Quan sát phân tích trong một chuỗi hình thành đồng tiền mua chiếc xe ấy thì nó lại xuất phát từ sự đóng góp của tầng lớp phổ thông, hoặc cũng có thể hiểu người nghèo hoặc tầng lớp phổ thông là đối tượng gánh chịu một cách thụ động cho giá xe ôtô đắt đỏ, và tầng lớp này được gọi là gánh nặng thuế cuối cùng.
TNX