Xe đô thị là một mẫu xe rất nhỏ gọn để di chuyển linh động, và phần lớn nó được nữ giới sử dụng trong công việc hàng ngày của các nước phát triển. Tuy nhiên tại Việt Nam thì công năng của nó được tăng lên nhiều hơn và được nam giới sử dụng rất nhiều hơn là phụ nữ, dùng để kinh doanh….

Nếu lần mò về nhiều năm trước thì hãng khai phá phân khúc này đầu tiên tại Việt Nam phải kể đến Daewoo với chiếc Matiz dáng “hột mít” khá thành công, kế đó là Kia CD5, Kia Morning do Trường Hải nhập phân phối và chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam. Một thời gian dài phân khúc thị xe đô thị được chia cho hai chiếc Kia Morning và Chevrolet Spark, trong đó thì Kia Morning chiếm lĩnh thị phần lớn hơn rất nhiều từ đó suốt tới nay. Tại sao ở thời điểm trước năm 2012 dường như ngoài hai thương hiệu đã đề cập thì không hãng nào ngó ngàng tới phân khúc xe đô thị, mặc dù nó rất tiềm năng, điều này có thể lý giải bằng việc bán một chiếc xe đô thị lời không “sướng”, hơn nữa người tiêu dùng vẫn thích sử dụng xe hạng B trở lên, hoặc số lượng nữ giới lái xe ô tô chưa nhiều hay tính thực dụng của những chiếc xe này tại đô thị lớn chưa được quan tâm đúng mức, ở khía cạnh khác thì việc khai thác các phân khúc lớn hơn vẫn còn rất màu mỡ và lợi nhuận cao.

xe đô thịNhững chiếc xe lỡ cỡ phân khúc đô thị như: Suzuki Swift, Mitsubishi Mirage, sau thời điểm năm 2012 cũng bắt đầu tham gia thị trường nhưng thực sự không gây được sự chú ý nhiều, vấn đề đầu tiên có lẽ thuộc về định giá ban đầu cho chiếc xe vì dĩ nhiên không thể có giá ngang hoặc hơn một chút xíu so với những mẫu xe đô thị Kia Morning đang bán chạy như rau muống, mà đó là một mức giá khởi điểm khá chênh lệch và buộc người mua lại phải tính toán vì nếu thế thì mua hẳn chiếc sedan hạng B cho rồi. Nói thêm một chút về chiếc Kia Morning, dường như sau khi được lắp ráp nội địa thì nó như  được chắp thêm cánh để bay cao, nhà sản xuất đã biết tường tận và am hiểu mong muốn của người tiêu dùng nên dù là một chiếc xe đô thị nhưng được trang bị tương đối hài lòng cho những người bỏ tiền ra tậu, thế mạnh này không thương hiệu nào lúc đó làm được tại Việt Nam, ngay cả Việt Nam Suzuki quyết tâm lắp ráp Suzuki Swift và cắt một số trang bị để hạ giá bán nhưng xem ra đến thời điểm này là không thành công.

xe đô thịCó lẽ Hyundai Thành Công là nhà cung cấp thứ hai tại Việt Nam thành công với mẫu xe đô thị Grand i10 rất hút khách, điều này có được một phần do chính sách giá và chớp thời cơ khi thị trường bùng nổ mô hình Taxi, Grab, Uber. Nhỉnh hơn một chút không gian so với Morning, giá mềm là hai yếu tố để chiếc xe bán chạy nhất và trở thành nhân tố quan trọng trong doanh thu của Hyundai Thành Công, những số liệu bán hàng không được công bố nhưng nhìn vào số lượng Grand i10 chạy đầy trên đường có thể thấy doanh số bán hàng tháng có thể ngang ngửa Morning hoặc hơn. Hiện tại mẫu xe đã được lắp ráp tại Việt Nam cách nay vài tháng chứ không nhập khẩu từ Ấn Độ về nữa, điều này cũng lam cho nó tăng thêm sức cạnh tranh.

Chỉ trong năm ngoái thôi dù thị trường có nhiều biến động từ việc tính lại thuế TTĐB, thông tin nhiễu loạn về xe sẽ giảm giá…. Nhưng thị trường vẫn cán đích thành công tạo ra sự hồ hởi cho các thương hiệu, ai cũng vui. Và quả thực cho đến năm ngoái thì cũng chỉ có hai ông lớn chiếm lĩnh phân khúc đô thị là Thaco với Moring và Hyundai Thành Công với Grand i10, một phần nhỏ còn lại cho chiếc Chevrolet Spark. Nhưng điều gì xảy ra vậy kìa khi bước qua năm 2017, đúng theo kỳ vọng của người tiêu dùng thì ở phân khúc xe phổ thông dường như tất cả đều giảm giá, thậm chí có những chiếc giảm giá rất sâu nhưng doanh số chung toàn thị trường vẫn lao dốc không phanh, trong số những dòng xe giảm giá thì tuyệt nhiên phân khúc đô thị vẫn bán chạy và giá chỉ hơi giảm nhẹ không đáng là bao.

xe đô thịCó lẽ ở thời điểm hiện tại thì các thương hiệu bấy lâu nay xem nhẹ phân khúc đô thị mới nhận ra được tầm quan trọng và tiềm năng to lớn của phân khúc này, nó sẽ là cứu cánh cho thị trường xe Việt Nam trong tương lai khi mà tất cả những dòng xe hạng B hoặc C đang có xu hướng chậm lại. Không lạ khi trong triển lãm VMS 2017 vừa diễn ra trong tháng 8 thì Suzuki mang về chiếc Celerio còn Toyota mang về chiếc WIGO để thăm dò người tiêu dùng, mà thực chất là để tuyên chiến với Morning và Grand i10. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra ở đây là liệu mức giá khởi điểm của hai mẫu xe Nhật này có chịu xuất phát bằng hai mẫu xe Hàn hoặc chỉ cao hơn một chút hay không? Và phần lớn nhận định khó có thể xảy ra, vì từ trước tới nay xe Nhật luôn luôn được định giá cao hơn xe Hàn, hơn nữa riêng truyền thống của Việt Nam Suzuki luôn có giá khởi điểm rất “chát” với hầu hết các xe bắt đầu bán ra thị trường, và như thế khiến họ chưa khi nào thành công ngay ban đầu mà phải làm động thái giảm giá hoặc khuyến mãi. Một nhược điểm nữa theo khách quan mà nói thì nội thất của hai mẫu xe Nhật nhìn không hào nhoáng bằng hai mẫu xe Hàn.

Ở Việt Nam luôn có câu “đầu xuôi, đuôi lọt” nhưng rất nhiều các thương hiệu không chịu học bài học này, vẫn tự tin với sản phẩm của mình, Việt Nam tuy dễ nhưng là một thị trường rất khó chịu. Chính vì thế mà phân khúc đô thị tuy rất rộng nhưng không dễ gì khai phá để xây dựng một đế chế mới nếu không thật cẩn trọng mức giá khởi điểm.

 

Quốc Huy

Tâm sự “chiếc xe hơi đầu tiên của tôi”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *