Trong số những chiếc đa dụng mới tham gia lần đầu thị trường tại Việt Nam thì nổi lên hai đối thủ xét về mọi phương diện khá cân tài cân sức là Outlander và X-Trail. Cả hai mẫu xe này đã được chuyên trang trải nghiệm ở phiên bản cao nhất và cùng chia sẻ với bạn đọc.
Để nhấn mạnh khả năng off-road cũng như khả năng mượt mà trên đường trường thì Mitsubishi Việt Nam đã chọn kiểu ra mắt kết hợp trải nghiệm ngay tại chỗ ở sân đua Happyland, nhưng sự trải nghiệm này chưa đủ rõ ràng nên sau đó chúng tôi đã có một buổi trải nghiệm độc lập khác. Đối với mẫu xe X-Trail 5+2 chỗ ngồi của Nissan cũng đã kịp ra mắt trước thềm Triển lãm VMS 2016 ngay tại Hà Nội, như để thông báo tới cho toàn thể khách hàng vì năm nay Nissan không tham dự VMS 2016, nếu có thì cả hai mẫu X-Trail và Outlander đã cùng xuất hiện trong VMS 2016 để khách hàng có thể cùng lúc ngắm nghía được hai đối thủ xứng tầm này.
Thiết kế ngoại thất
Outlander có kích thước dài hơn X-Trail một chút nhưng lại thua ở phần chiều cao và bề ngang xe, trong khi đó trục cơ sở kém hơn X-Trail 35mm, tổng thể ngoại thất của hai chiếc xe có thiết kế đều khá hiện đại ưa nhìn. Trong khi Outlander dùng ngôn ngữ Dynamic Shield mạnh mẽ với đường gân thẳng bên hông dứt khoát thì X-Trail lại nhấn sự cơ bắp khí động học. Phần trước của Outlander có thiết kế kiểu X theo phong cách rất tương lai và khác biệt, trong khi X-Trail sử dụng ngôn ngữ V-Motion đặc trưng trên lưới tản nhiệt. Về tổng thể mà nói thì phần đầu xe của Outlander có sự thu hút và gây sự chú ý nhiều hơn.
Nếu như có sự hơi tương đồng ở phần kính bên hông của hai xe, thì ngoài ra những chi tiết còn lại là một sự đối lập rõ ràng trong ngôn ngữ thiết kế. Về khách quan mà nói Outlander lại ghi điểm hơn X-Trail ở mức độ thẩm mỹ thiết kế tại phần đuôi xe, mặc dù kích thước tổng thể nó hẹp hơn một chút xíu nhưng do kiểu đèn đuôi vuốt ngang và kính sau bề ngang lớn nên nhìn rất bệ vệ vững vàng.
Bên trong nội thất nếu như Outlander dùng đơn giản để tăng sự trang trọng thì X-Trail vẫn theo lối bay bổng với những đường vuốt đặc trưng kiểu xe châu Á cách điệu hơn. Khoảng không gian ca-bin hầu như là tương đồng nhau, hàng ghế thứ hai tất cả đều có thể trượt cơ động để gia tăng khoảng để chân cho hàng ghế thứ 3, X-Trail hơn tiện nghi chỉnh điện cho cả hai ghế trước trong khi Outlander chỉ cho ghế lái. Các chất liệu sử dụng vẫn là sự kết hợp da nhân tạo và nhựa.
Hệ thống lạnh về mặt lý thuyết thì công suất cũng không thay đổi cho dù có hoặc không có vùng điều hòa thứ 2 ở những dòng xe phổ thông, có chăng chỉ là thiết kế thêm hệ thống dẫn lưu đường gió đến hàng ghế thứ 2 để tăng nhanh thời gian lan tỏa khí lạnh, thế nhưng do tâm lý là vùng nhiệt đới mà thiếu vắng vùng điều hòa thứ hai so với đối thủ X-Trail khiến Outlander mất điểm ở khoản này.
Trên thực tế thì vẫn chưa thể nói xe nào hơn nhau về khả năng làm lạnh sâu, vì trong điều kiện thử xe gặp thời tiết mưa nhiều hay quá nắng cũng khó mà kết luận, nhưng về mặt phục vụ cho toàn khoang ca-bin cả hai đều cho thấy đáp ứng tốt. Cả hai xe đều có thiết kế cửa sổ trời, tuy nhiên chi tiết này không hữu dụng nhiều khi sử dụng tại Việt Nam.
Trang bị an toàn
Phải nói rằng tuy X-Trail được Nissan lắp ráp tại Việt Nam nhưng khá ngạc nhiên về mức độ an toàn trang bị đều và đủ cho cả 03 phiên bản, và có thể nói phong phú nhất về trang bị an toàn trong phân khúc. Trong khi đó bản cao nhất 2.4L dẫn động 2 cầu của Outlander vẫn thua một chút về trang bị an toàn so với X-Trail.
Cảm nhận sau vô-lăng
Chúng tôi đã chạy thử phiên bản cao nhất của cả hai mẫu xe này, nếu nói về động lực thì có thể khó nói được chiếc nào mạnh vì X-Trail hơn một chút về dung tích nhưng lại nặng hơn Outlander gần 100kg. Outlander phiên bản 2.4L cho công suất 167 mã lực kết hợp hộp số vô cấp CVT dẫn động 4 bánh, tương tự X-Trail 2.5 SV 4WD kết hợp hộp số CVT nhỉnh hơn chỉ một chút xíu mã lực 169/167 và một vài thông số như mô-men xoắn 233/222 Nm, thời điểm đạt công xuất cực đại ở cùng vòng tua lớn 6.000 rpm, nói chung về thông số hai chiếc khá tương đồng.
Thực tế trên đường cho thấy cả hai đối thủ này đều có kiểu vận hành mượt và ít có cảm giác trễ nhịp do đặc điểm của hộp số vô cấp CVT, khả năng đáp ứng của động cơ khá tốt, và cả hai xe đều có 3 kiểu chọn dẫn động giống nhau (2WD, Auto, 4WD Lock). Trên vô-lăng của Outlander có tích hợp lẫy chuyển số để người chạy có thể chạy giả lập các cấp số thuận tiện, trong khi X-Trail chỉ có thể trải nghiệm 7 cấp số giả lập trực tiếp trên cần số trung tâm.
Sự đầm chắc trên vô-lăng khi chạy ở tốc độ cao là tương đương nhau, nhưng ở tốc độ trung bình trong đô thị có vẻ Outlander vô-lăng nhẹ thoải mái hơn. Khả năng cách âm trên đường trường nếu như xếp Outlander ở hạng khá thì X-Trail đạt ở mức chỉ hơn trung bình một chút.
Ưu thế của hệ dẫn động bốn bánh sẽ hỗ trợ rất nhiều cho chiếc xe ổn định hơn khi vào và thoát cua, hơn nữa cả hai chiếc đều được trang bị cân bằng điện tử nên điều này không còn nghi ngờ gì. Hơn nữa đối với mẫu Outlander chúng tôi đã test được tính năng này trong điều kiện địa hình đường núi hẹp nhiều góc cua gắt với tốc độ vào cua tương đối cao hơn mức bình thường thì chiếc xe làm khá tốt, còn với mẫu X-Trail thì nó cũng làm khá tốt trong các góc cua trên đường, nhưng chúng tôi chưa thử đươc nó như điều kiện chiếc Outlander.
Không phải là những chiếc bán tải 4×4 off-road thực thụ, nhưng điều quý nhất trên hai mẫu xe trên là khả năng chinh phục địa hình, công bằng mà nói thì cả hai đều có khả năng chinh phục địa hình khá tốt, từ đường bùn lầy cho tới chạy trên cát, đi trong địa hình ghồ ghề hổng bánh đều không phải là chuyện khó khi kích hoạt chế độ khóa cầu. Không thể kết luận khả năng của chiếc nào cao hơn, vì hầu như nó tương đồng về mặt thông số, tuy nhiên nó còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của người cầm lái có mắt quan sát tốt nữa.
Giá bán
Mitsubishi ít khi nào gặp một sự thuận tiện khởi đầu ở một sản phẩm mới, đối với Outlander thì có vẻ khả quan hơn khi liên tiếp kể từ lúc ra mắt đến này đều có doanh số tuy không đột phá nhưng chắc cũng đáp ứng được kỳ vọng của nhà cung cấp.
Tuy nhiên với sự góp mặt kịp thời của X-Trail từ tháng 9 đã tạo ra một sự ảnh hưởng nhất định về doanh số của Outlander, cụ thể là trong tháng 10 và 11 có sự sụt giảm khoảng 50 % so với tháng 9, trong khi đó X-Trail có sự khởi đầu ngoạn mục khi đã bán trung bình trên 300chiếc/tháng kể từ lúc ngay trong tháng đầu tiên gia nhập thị trường đến nay.
Về giá bán Outlander/X-Trail lần lượt là 1,275 tỷ/1,198 tỷ, rõ ràng là X-Trail có sự cạnh tranh nhất định và gây ra áp lực về giá đối với Outlander, và chắc chắn trong thời gian tới nhà cung cấp Outlander sẽ không thể ngồi im và dự báo sẽ có một sự điều chỉnh về giá bán. Outlander có điểm sáng là nhập trực tiếp từ Nhật Bản trong khi đó X-Trail lắp ráp trong nước.
Quốc Huy