Việc điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là phương án để cân đối ngân sách trong bối cảnh thuế nhập khẩu giảm về 0%.
Sáng 16-5, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) đã tổ chức hội thảo Thị trường xăng dầu và vấn đề thể chế. Tại đây ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Vinpa, cho rằng hiệp hội ủng hộ việc tăng khung thuế bảo vệ môi trường.
“Chúng tôi rất ủng hộ sớm điều chỉnh thuế nội địa lên, ít nhất là đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường lên làm sao cho chiếm trên 50% cơ cấu giá để đảm bảo thu ngân sách nhà nước” – ông Ruệ nêu quan điểm. Theo ông Ruệ, trong trường hợp thuế nhập khẩu xăng dầu giảm về 0%, cơ quan nhà nước phải tăng thuế nội địa để bù vào phần hụt đó. Nộp thuế là trách nhiệm của công dân với đất nước.
“Nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi. Giá bán lẻ phụ thuộc vào nhiều loại thuế, tăng cái này, giảm cái kia thì vẫn không thay đổi” – ông Ruệ nhấn mạnh.
Ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết các sắc thuế nội địa, trong đó có thuế bảo vệ môi trường sẽ được Chính phủ rà soát theo hướng phù hợp với lộ trình giảm thuế nhập khẩu.
“Tuy nhiên nói khung thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng/lít không có nghĩa là tăng ngay mà là mức khung tối đa. Khi điều chỉnh còn phụ thuộc vào sức chịu đựng của nền kinh tế để làm sao cho phù hợp. Khung là khung cho phép, còn điều chỉnh thế nào thì Chính phủ sẽ có tính toán cẩn thận để đảm bảo lợi ích của người dân, nhà nước, doanh nghiệp”- ông Quyền nói.
Còn ông Nguyễn Tiến Thỏa – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng cần phải có cái nhìn tổng quát hơn khi tính tới việc tăng thuế bảo vệ môi trường. Theo vị này với những sản phẩm đầu vào thì phải có tư tưởng bao đồng hơn, tính toán thuế làm sao thu bền vững. “Đầu vào thì “ăn” ít thôi để vòng sản xuất phát triển. Khi thuế giảm sẽ giúp thị trường tăng cung, sản xuất nhiều hơn, giá thành những sản phẩm thụ hưởng từ xăng dầu sẽ rẻ hơn, giải quyết công ăn việc làm bền vững” – ông Thỏa nêu quan điểm.
Trước đó, Bộ Ngoại giao đưa ra ý kiến đề nghị Bộ Tài chính nên cân nhắc sự cần thiết và lộ trình thực hiện việc nâng khung thuế với xăng dầu. Đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, mặt hàng thiết yếu này đã gánh nhiều loại thuế và phí. Bộ này cũng kiến nghị bổ sung đánh giá tác động về kinh tế-xã hội đối với phương án nâng khung thuế của xăng trong dự thảo. Bộ Tư pháp cho rằng Bộ Tài chính cần đánh giá tác động một cách cẩn trọng đối với các chính sách, đặc biệt là việc điều chỉnh khung thuế suất đối với nhóm hàng hóa xăng, dầu,… cao gấp đôi quy định hiện hành, tạo khoảng cách lớn giữa mức thuế tối thiểu và mức thuế tối đa.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng lo ngại việc tăng thuế đối với xăng dầu sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
Theo Trà Phương PLO.VN
Có thể bạn quan tâm