Volkswagen Viloran là cái tên khá lạ, đó là sản phẩm MPV cỡ lớn hoàn toàn mới được giới thiệu năm 2019 tại Quảng Châu bởi liên doanh lắp ráp SAIC –Volkswagen ở Trung Quốc. Viloran về Việt nam sẽ cạnh tranh trực tiếp với Carnival, trong khi đó Hyundai Custin cũng là một đối thủ đáng gờm của mẫu xe này trong cuộc cạnh tranh chia lại thị phần MPV cỡ lớn.
Viloran có động cơ xăng 4 xi-lanh thẳng hàng, tăng áp, dung tích 2.0 lít, được cung cấp ở các phiên bản 186 mã lực và 220 mã lực. Viloran được cung cấp hệ dẫn động cầu trước và hộp số tự động DSG 7 cấp. Giá bán lần lượt cho hai phiên bản là khoảng 973 triệu và 1,07 tỷ tại thị trường Trung Quốc.
Viloran có thiết kế ngoại thất chững trạc, phong cách điềm tĩnh, không góc khối vuông trẻ trung như xu hướng các xe của châu Á hiện tại, thoạt nhìn thiết kế phần đầu có thể gợi nhớ đến mẫu Toyota Venza. Thiết kế ngoại thất của Viloran và Carnival đi theo hai hướng khác nhau hoàn toàn, Carnival hiện tại có thiết kế ngoại thất rất trẻ trung và có phần hiện đại mạnh mẽ theo xu hướng năng động, thì Viloran lại lịch thiệp theo kiểu quý ông châu Âu có phần bảo thủ hạn chế sự bay bổng trong thiết kế. Về kích thước tổng thể, Viloran nhỉnh hơn một chút về chiều dài so với Carnival nhưng điều này thật sự không có nhiều ý nghĩa trên một chiếc MPV đã đạt cỡ lớn.
Bên trong nội thất, cả hai xe đều cho thấy sự đầu tư khi hướng tới là những chiếc MPV dành cho sự di chuyển thoải mái sang trọng với kiểu ghế đơn tay vịn doanh nhân, cửa trượt. Phía trước cũng là khoang thiết kế khá vừa mắt của cả hai mẫu xe, tuy nhiên Viloran có sự gọn gàng ở phía mặt dựng táp lô nên phần để chân cho hành khách phía trước có vẻ thoải mãi hơn.
Về sức mạnh, Viloran sử dụng động cơ tăng áp 2.0 lít mã EA888 phổ biến của Tập đoàn Volkswagen cho cho những thương hiệu xe thuộc tập đoàn, và có mức tinh chỉnh đầu ra khác nhau cũng như công nghệ áp dụng, như trường hợp của Viloran cho ra hai mức công suất ứng với hai phiên bản là 186 mã lực và 220 mã lự.
Xu hướng xử dụng động cơ tăng áp khá phổ biến ngày nay nhưng vẫn còn đó những hạn chế về độ lag, nhất là với tăng áp đơn chưa ứng dụng hệ Mild Hybrid 48V như cụ thể trên Viloran nhưng Volkswagen đã áp dụng với những chiếc Audi mới gần đây. Trong khi đó, Carnival áp dụng hai hệ truyền động là động cơ diesel Smartstream D2.2 có công suất 188 mã lực và động cơ xăng Smartstream G3.5 có công suất 268 mã lực, tất cả đều kết hợp với hộp số tự động 8 cấp, dẫn động cầu trước.
Những động cơ đốt trong truyền thống có dung tích lớn vẫn được đánh giá cao về sự mượt mà và hạn chế độ lag hơn, không hẳn mà Toyota, Lexus vẫn kiên trì sử dụng trên những mẫu sedan hạng D, SUV cỡ trung và cỡ lớn vì nó có sự ưu việt của nó với sự bền bỉ và trải nghiệm lái, tất nhiên là khoản nhiên liệu sẽ phải tốn hơn.
Viloran chỉ có hai sự lựa chọn, trong khi đó Carnival khá phong phú khi có tới 5 sự lựa chọn tùy thuộc vào mục đích kinh doanh hay sử dụng gia đình. Phải đến ngày ra mắt Viloran tại Việt Nam thì mới có giá chính thức, nhưng mức khởi điểm được thông báo bắt đầu từ 1,9x tỷ cho tới hơn 2 tỷ, như vậy mức giá của bản thấp nhất Viloran cao hơn mức phiên bản cao cấp nhất của Carnival là gần 100 triệu, điều này sẽ gây không ít khó khăn cho Viloran để thuyết phục khách hàng. Một thế mạnh nữa của thương hiệu Kia tại Việt Nam đó là mức giữ giá khá tốt.
Còn nhớ khi Honda mang mẫu Odyssey cùng phân hạng với Carnival (thời điểm đó còn có tên Sedona) để đấu trong phân khúc MPV cỡ lớn nhưng đã thất bại hoàn toàn về mặt doanh số khi khoảng giá chênh lệch là khá cao lên tới gần 800 triệu so với bản tiêu chuẩn Sedona, tất nhiên về thương hiệu và đẳng cấp thì Odyssey có phần hơn nhưng túi tiền của khách hàng thì có hạn nên Sedona bắt nhịp được điều này. Thị trường ô tô Việt Nam rất khó dự đoán, dù sao cũng phải chờ ngày Viloran ra mắt và có cuộc so găng trực tiếp sau một thời gian với ông vua phân khúc MPV cỡ lớn là Carnival thì mới ngã ngũ.
Quốc Huy