Vòng luẩn quẩn sản lượng tiêu thụ xe thấp dẫn đến đấu tư sản xuất linh kiện không hiệu quả, và ngược lại xe lắp ráp mà tỉ lệ nội địa thấp thì giá lại cao, kém sức cạnh tranh. Đó là lý do 30 năm quan chúng ta làm CNOT không thành công. Nhưng nếu nghĩ lớn, đầu tư bài bản để bán sản phẩm sang nhiều thị trường thì bài toán sản xuất ô tô sẽ có lời giải.
Công nghiệp phụ trợ là xương sống
Khi Vingroup công bố tham gia vào ngành Công Nghiệp Ô Tô (CNOT) với thương hiệu VinFast đầy bất ngờ, nhưng điều gây ra sự nghi ngờ cho giới truyền thông hơn đó là ấn định khoảng thời gian có sản phẩm ra thị trường quá ngắn khi mà họ chẳng có gì liên quan tới xe trong suốt quá trình từ trước tới nay. Hơn nữa nền tảng chung của ngành phụ trợ xe quá thấp với hàm lượng chất xám rất nhỏ, chỉ có thể sản xuất những thứ đơn giản trên một chiếc xe ô tô.
Ông Võ Quang Huệ – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup trong buổi hội thảo tại Triển Lãm Saigon Autotech & Accessories 2018 về chủ đề Công nghiệp Phụ Trợ, đã đưa ra những phát biểu đúng với thực tế, đưa ra những phương hướng xây dựng chuỗi công ty tham gia vào hệ thống công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô.
Ông cho biết, Tập đoàn Vingroup đã đặt ra bài toán nội địa hóa lên hàng đầu, bởi chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng việc sản xuất ra một chiếc ô tô mới cho thấy dự án ở giai đoạn “trung nguồn”, còn nếu sản xuất ra từng chi tiết với hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao mới là đi lên “thượng nguồn” của ngành sản xuất, tạo nên “tác động lan tỏa”, thúc đẩy toàn ngành công nghiệp quốc gia phát triển.
Thành công trong sản xuất xe hơi không chỉ dừng lại ở chính nội tại một nhà sản xuất mà phải là sự phối hợp nhuần nhuyễn và chặt chẽ của cả một mạng lưới công nghiệp phụ trợ hoàn hảo. Có thể ví von mô hình này với hình ảnh “đàn sếu bay”, khi đó, các nhà sản xuất ô tô được coi là con sếu đầu đàn, và hàng trăm nhà cung cấp linh kiện là những con sếu phía sau xếp thành một đội hình hoàn chỉnh, tạo ra một nền công nghiệp bền vững.
Động lực tạo ra việc làm
Ông đưa ra một ví dụ dễ hiểu: Về hình ảnh đàn sếu bay trong công nghiệp phụ trợ của Thái Lan. Năm 2016, Thái Lan có 21 nhà sản xuất ô tô/xe máy với tổng số nhân công khoảng 100.000 người. Với 21 hãng này đã có 690 nhà cung cấp trực tiếp với số lượng nhân công lên tới 250.000 người và hơn 1,700 nhà cung cấp thứ cấp với số lượng nhận công trên 420,000 người. Như vậy, 1 nhà sản xuất ô tô với gần 5.000 nhân công tạo ra một mạng lưới các nhà cung cấp với tổng số lao động gấp 7 lần, khoảng trên 30.000 người.
Vì thế, Tập đoàn Vingroup nói chung và VinFast nói riêng luôn hướng đến việc phải xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác, nhà cung cấp, nhằm tăng được tỷ lệ nội địa hóa, từ đó góp phần xây dựng, phát triển hệ thống các nhà sản xuất linh kiện ô tô và ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, tạo công ăn việc làm và đóng góp cho xã hội.
Hướng đi hợp tác, đầu tư cùng phát triển
Nếu chỉ tuyên bố làm ô tô mà không đưa ra được một chiến lược cụ thể, phù hợp lẫn quyết liệt thì chắc chắn sẽ thất bại. Chính vì thế VinFast xây dựng tầm nhìn và chủ trương phát triển đồng bộ bao gồm ba lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến việc xây dựng ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ bao gồm: Một là Nghiên cứu và Phát triển (R&D) và đào tạo, Hai là sản xuất xe ô tô, Ba là phát triển khu công nghiệp phụ trợ trong khu công nghiệp của VinFast.
Cả ba lĩnh vực trên đều được phát triển song song, về lâu dài, trung tâm nghiên cứu phát triển sẽ là cái nôi để VinFast có thể hỗ trợ các nhà cung cấp trong nước, tự sản xuất một số linh kiện và làm chủ công nghệ. Ở thời điểm hiện tại tất cả các nhà cung cấp linh kiện cho VinFast đều được chào đón để xây dựng nhà máy trong khu công nghiệp phụ trợ của VinFast và Tập đoàn sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ các nhà đầu tư.
Để thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam, cụ thể là trong khu công nghiệp phụ trợ của VinFast, chúng tôi thành lập bộ phận “Nội địa hóa” để đàm phán và hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc nghiên cứu tính khả thi, chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để triển khai. VinFast sẽ dành riêng khoảng 30% diện tích cho các nhà cung cấp tại dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast ở khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng). Ngoài phần tự đầu tư 100% vốn, VinFast sẵn sàng hợp tác dưới mọi hình thức, miễn là các nhà đầu tư đạt được các yêu cầu về chất lượng, giá cả và giao hàng (Quality – Cost – Delivery). Các hình thức đầu tư bao gồm:
- Liên doanh với tỷ lệ góp vốn linh động, tùy theo khả năng và dự định của nhà đầu tư
- Nhà đầu tư cung cấp công nghệ, VinFast đầu tư cơ sở hạ tầng và máy móc, thiết bị sản xuất.
- Nhà đầu tư có thể đầu tư 100% vốn, VinFast cung cấp mặt bằng nhà xưởng.
Để tăng tỷ lệ nội địa hóa và khả năng làm chủ công nghệ, VinFast đã quyết định thực hiện việc sản xuất động cơ và dập thân vỏ xe tại Việt Nam ngay từ khi bắt đầu sản xuất dòng xe Sedan và SUV.
Với mô hình trên, mặc dù với thời gian rất ngắn, nhưng đến nay ngoài 5 xưởng chính cho việc sản xuất xe, đã có 8 nhà máy sản xuất linh kiện đã được Tập đoàn phê duyệt chủ trương đầu tư, hiện đang trong giai đoạn ký kết hợp đồng và thiết kế xây dựng nhà xưởng. Các nhà máy này được hơp tác với các đối tác đến từ Đức, Mỹ, Pháp và Thái Lan. Trong đó, dự kiến có 4 nhà máy VinFast tự đầu tư, hai nhà máy liên doanh và hai nhà máy 100% vốn của nhà cung cấp.
Trong các nhà máy này, có những nhà máy có hàm lượng công nghệ và mang lại giá trị gia tăng cao như nhà máy dập và hàn các chi tiết nhỏ cho thân vỏ xe, nhà máy sản xuất và lắp ráp trục truyền động, thanh giằng và giảm chấn. Những nhà máy này đòi hỏi công nghệ rất cao vì liên quan trực tiếp chất lượng xe, tính năng lái, độ thoải mái và độ ổn định của xe.
Ngoài ra, hiện tại VinFast cũng đang đàm phán với hàng loạt các nhà sản xuất linh kiện khác về việc xây dựng nhà máy trong khu công nghiệp phụ trợ của VinFast. Họ đến từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ai-Len (Ireland), Anh, Đài Loan. Nhiều nhà máy đã nhận được đề xuất từ phía đối tác và VinFast hy vọng toàn bộ khu công nghiệp phụ trợ của VinFast sẽ được lấp đầy trong tương lai gần.
Mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa cao
Mục tiêu của VinFast đặt ra trong dài hạn là tỷ lệ nội địa hóa đạt hơn 60% với ô tô và 100% với xe máy điện, do đó, Vinfast nỗ lực kêu gọi các nhà cung cấp có tiềm năng trong và ngoài nước cùng tham gia với Vinfast hoặc tự đầu tư vào đề án công nghệ phụ trợ. Điều này đồng nghĩa VinFast sẽ luôn ưu tiên các nhà cung cấp, cũng như làm hết khả năng có thể để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất. Cụ thể:
- VinFast có chiến lược phát triển nguồn linh kiện ưu tiên các nhà sản xuất tại Việt Nam, tiếp theo là các nhà sản xuất trong khối ASEAN và sau đó mới là các nhà sản xuất khác trên thế giới.
- VinFast sẽ hỗ trợ, hợp tác với các nhà sản xuất hiện nay và các nhà sản xuất mới để đẩy mạnh việc sản xuất ngày càng nhiều các linh phụ kiện ô tô với công nghệ hiện đại nhất để có thể sử dụng cho sản phẩm của VinFast, tiến tới xuất khẩu.
VinFast dự định sản xuất số lượng lớn xe ngay từ khi bắt đầu, cụ thể với ô tô là 250.000 chiếc/năm vào giai đoạn đầu, hướng tới 500.000 chiếc/năm vào 2025 và xe máy điện là 250.000 chiếc/năm giai đoạn 1 và 1 triệu chiếc trong giai đoạn tiếp. Về ô tô, không chỉ có hai mẫu xe mà VinFast đã giới thiệu, trong tương lai gần VinFast có kế hoạch sản xuất các mẫu xe cỡ nhỏ bao gồm cả xe điện, xe xăng và thêm mẫu xe buýt điện. Điều này sẽ là động lực để các nhà cung cấp linh kiện của VinFast đạt được quy mô kinh tế, giảm chi phí và nâng cao chất lượng và hiệu quả trong ngành.
Với định hướng này, VinFast tự tin rằng trong tương lai chuỗi cung ứng linh kiện và và cụm linh kiện nhằm phục vụ cho sản xuất ô tô của Việt Nam sẽ phát triển, từ đó tăng tỷ lệ nội địa hóa. Ngoài ra, với năng lực sản xuất được cải thiện, VinFast cũng hy vọng sẽ hỗ trợ các đối tác trong mạng lưới sản xuất của VinFast đạt được các tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế. Cùng các nhà sản xuất để tạo nên những nền tảng tốt đẹp, cùng nhau xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ ô tô phát triển.
Quốc Huy