Chạy mô tô PKL đi tour dài là chuyện hết sức bình thường, nhưng trải nghiệm tour dài trên một chiếc tay ga PKL như KYMCO AK550 là điều mới mẻ. Hành trình dài Sài Gòn – Đà Nẵng – Sài Gòn được tổ chức với nhiều khách mời tham gia từng chặng, vì không thu xếp được thời gian nên tôi chỉ tham gia một chặng, nhưng cũng đủ thấy cái sướng khi đi tour cùng tay ga PKL.

Có thể xem KYMCO là thương hiệu xe đầu tiên khai phá chính thức phân khúc mới mẻ này tại thị trường Việt Nam, bằng sản phẩm AK550 vốn đã chinh phục thị trường châu Âu kể từ khi ra mắt cách đây không lâu. Mẫu xe thiết kế theo phong cách touring hiện đại, mang lại sự thoải mãi khi vận hành và có nhiều thú vị so với những chiếc PKL tay côn.

Trong các chặng chạy thì có lẽ hai cung đường mang lại nhiều cảm xúc nhất là từ Đà Nẵng đi Kon Tum và từ Đắk Lắk về lại Sài Gòn, nhưng tôi chỉ chọn được một nên đã đáp chuyến bay từ Hà Nội vào Đắk Lắk để đón đoàn tại đây, hôm sau sẽ cùng khởi hành theo đường Quốc lộ 14 về Sài Gòn. Chạy tour dài bằng PKL đi xuyên Việt tôi đã thử hoặc những tua ngắn 100-200km, nhưng với việc chạy một chiếc tay ga PKL như AK550 dường như là lần đầu tiên và hứa hẹn có nhiều thú vị, cách đây khoảng 02 tháng tôi cũng đã chạy AK550, nhưng thú thật là khi đó đoạn đường chưa đủ dài để thấy hết cái hay của tay ga PKL khi đi tour dài.

Sau một đêm mưa thì sáng nay thời tiết của Đắk Lắk đã có nắng nhẹ, chúng tôi bắt đầu hướng về Sài Gòn, tôi bắt nhịp được ngay tâm tính của chiếc xe sau ít phút cầm cương, và có thể chạy mướt trong phố xá với sự thích thú lẫn bắt gặp nhiều ánh mắt tò mò về chiếc xe. Ra khỏi thành phố Buôn Mê Thuột thẳng tiến Quốc lộ 14, có lẽ đây là đoạn đẹp nhất về tới Quốc lộ 13, chúng tôi bắt đầu đẩy cao tốc độ hơn và duy trì ở mức trung bình 90-100km/h, ở tốc độ vừa phải này mới thấy cái hay của một chiếc tay ga PKL lướt đi một cách nhẹ nhàng.

Tuy xe có tư thế ngồi thoải mãi nhưng cơ thể không bị tác động nhiều của gió, đó là sự lợi hại của kính chắn gió có thiết kế cao của AK550, thậm chí khi đẩy thử tốc độ lên cao hơn nữa tôi thấy vẫn ổn khi cơ thể không bị gió cản nhiều, điều này ảnh hưởng cực kỳ đến tâm lý lái và sức lực cho một tour chạy dài, còn một điểm độc đáo nữa của kính chắn gió AK550 mà tôi nhận ra, sẽ nhắc tới ở cuối bài.

Sự khác biệt khi chạy một chiếc mô tô PKL và một chiếc tay ga PKL ở những tour dài là rất rõ ràng, tư thế ngồi khá thoải mãi và như AK550 thì tôi có hai vị trí để chân, tùy thuộc chạy rất nhanh hay chạy ở mức trung bình để thưởng ngoạn cảnh vật. Một điểm khá hữu ích nữa ngay với những người ít chạy PKL, đó là cổ tay và các ngón dường như không có cảm giác tê đau sau một quãng đường dài cầm lái tay ga AK550, vấn đề này thường xảy ra với những người mới chạy mô tô PKL, hoặc ngay cả những người biết kỹ thuật chạy cũng vẫn có cảm giác tê mỏi sau vài trăm km cầm lái.

Quốc lộ 14 quá đẹp với hai bên là các cánh rừng thông, đồi núi liên tục uốn lượn dốc lên dốc xuống, nhiều cua gắt, AK550 với thân hình dài và to hẳn hơn những chiếc tay ga thông thường, nhưng cầm cương nó quả thật quá sướng để đè cua thưởng thức hương vị thể thao rất thích, chiếc xe đầm chắc ở tốc độ 80-90 km/h để vào và thoát ra trong các góc cua trên đường Quốc lộ 14, tôi biết AK550 có thể làm được hơn thế với các thành viên khác trong đoàn đã chạy PKL  chuyên nghiệp.

Càng cầm lái AK550 tôi càng thấy thích và thoải mãi hơn nhiều so với mô tô PKL, nếu không quá đặt nặng vấn đề phải chạy với tốc độ cực cao, tuy nhiên mỗi loại có độ sướng khác nhau. Nhưng nếu để đi xa với những người trung niên cần một sự thoải mãi, thì có lẽ tôi đề nghị là một chiếc tay ga PKL vì vận hành có phần đơn giản hơn nhiều, thêm nữa là thiết kế có đủ vị trí cho hai người ngồi với mặt yên rộng định vị cơ thể tốt.

Chúng tôi vẫn tiếp tục nối đuôi nhau chạy mà chẳng thấy sự mệt mỏi nào mặc dù lúc này quãng đường chạy được cũng kha khá km, thỉnh thoảng chúng tôi lại ghé bên lề chụp vài kiểu ảnh, hay chạy rẽ vào một vài chỗ có phong cảnh đẹp để tìm kiếm những góc chụp ưng ý.

Chúng tôi dừng chân ăn trưa tại nhà hàng Phúc Lộc Thọ, vốn rất quen thuộc với anh em mô tô khi đi từ Sài Gòn lên Buôn Mê Thuột hoặc ngược lại, một không khí rất vui và phấn khởi trên từng khuôn mặt của team chạy xe hôm nay. Khi vui và khỏe thì dường như đồ ăn trên bàn cũng được giải quyết nhanh hơn và rất ngon miệng, điều này cũng cho thấy lái một chiếc tay ga PKL mang lại một sự thoải mãi nhất định, không mất sức sau một đoạn dài. Nhắc đến hệ thống Noodle trang bị cho xe nếu như khai thác tốt cũng mang lại nhiều tiện ích, tuy nhiên trên hành trình thì chúng tôi chỉ chủ yếu sử dụng dẫn đường google map, dù tiện lợi nhưng thi thoảng google map thiếu cập nhật nên có thể dẫn đến những sai lệch nhỏ.

Sau bữa ăn chúng tôi lại lên đường, lần này tôi chỉ chạy một mình mà không phải chở ai như lúc sáng, thực ra mà nói tôi không thấy có sự khác biệt lớn khi chạy một người hoặc  hai người với AK550, điều mà tôi thường lo lắng ở những chiếc PKL sẽ làm thiếu đi sự thoải mãi và tâm lý chạy. Nhưng khi chạy một mình, tôi chủ động tự do hơn trong tốc độ, chuyển làn, vượt mặt, đè cua, đẩy cao thêm giới hạn trải nghiệm trong các khúc cua gắt với tốc độ lớn. Tôi cảm nhận mình làm chủ được cung đường với sức mạnh của động cơ AK550, khi các nhân tố trong tầm kiểm soát an toàn khiến tôi tự tin hơn với chiếc xe ở những khoảnh khắc cần sự dứt khoát, những khoảnh khắc vượt mặt diễn ra trong thời gian rất ngắn nhờ sự tăng tốc đáp ứng tức thời của động cơ.

Trời bắt đầu chuyển mưa khi chúng tôi về tới đồng xoài, tuy nhiên chỉ là mưa nhỏ nên tôi cũng lười không dừng lại lấy áo mưa mặc, nhưng cứ như thế với một quãng đường dài thì theo lẽ thông thường quần áo sẽ ướt ngay, đặc biệt là điện thoại trong túi quần jeans sẽ rất dễ tèo.  Tôi vừa chạy vừa để ý cảm nhận xem quần jeans có bị ướt như phía trên hai cánh tay áo khoác, nhưng lạ thay hôm nay không ướt, như bình thường lẽ ra nó đã ướt nếu như khi chạy mô tô, tôi nhận ra một điều thú vị là cái kính chắn gió của AK550 khá hiệu dụng khi chạy trời mưa nhỏ, nó dường như được thiết kế về mặt khí động học để có độ che chắn rất tốt, nhưng lại không ảnh hưởng nhiều đến vận hành.

Trời càng lúc mưa nặng hạt hơn nên chúng tôi dừng lại mặc áo mưa bộ, nhân tiện khởi động chế độ chạy mưa của AK550, chế độ này chỉ có thể kích hoạt khi dừng hẳn xe nên hơi bất tiện một chút, và màn hình đồng hồ tốc độ chuyển từ màu xanh blue sang màu cam. Sự khác biệt giữa chạy bình thường và chạy chế độ mưa là phần động lực truyền ra bánh xe giảm đi khiến nó hơi lì so với vòng tua máy, các bánh xe bám đường hơn để tránh hiện tượng trơn trượt hay văng đuôi khi lên ga lớn đột ngột vượt mặt hoặc tăng tốc nhanh. Nhìn chung chế độ chạy mưa dù động lực đưa ra bánh xe giảm nhưng vẫn đảm bảo cho bạn chạy được với tốc độ cao khi cần.

Về động lực của AK550 tôi không nói là nó quá mạnh hay bình thường, nhưng nó đủ cho bạn đưa vận tốc lên mong muốn trong thời gian ngắn mà không phải chờ đợi nhiều, dĩ nhiên không thể so AK550 với những chiếc PKL khi chủ động được về vòng tua và cấp số, nhưng ở đây là sự tổng hòa về điều kiện đường xá Việt Nam và sự an toàn nên chiếc xe hầu như không làm bạn thất vọng. Hệ thống phanh ABS trang bị cho AK550 cũng đáng đồng tiền bát gạo, dù cho xe đang ở tốc độ cao ngoài 120km/h nhưng ABS hoạt động có hiệu suất tốt, vận tốc giảm nhanh sau cú bóp thắng đầu tiên mà xe vẫn mượt không bị dồn và dựt.

Do thay đổi kế hoạch nên chúng tôi không chạy thẳng về trung tâm Sài Gòn mà kết thúc hành trình ngay ở nhà máy KYMCO Bình Dương, nơi đây lắp ráp những mẫu xe tay ga cỡ nhỏ phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Một hành trình kết thúc tốt đẹp và an toàn, quan trọng hơn là sau mỗi chặng chạy dài như thế chúng tôi vẫn thấy khỏe và không mỏi mệt, nhất là những đôi bàn tay cầm cương AK550 liên tục không tê đau.

Quốc Huy

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *