Tham gia khá lâu vào phân khúc MPV 7 chỗ cỡ nhỏ tại Việt Nam, thậm chí còn sớm hơn cả Xpander và Rush, nhưng Ertiga trải qua các thế hệ vẫn không thể tạo được doanh số ấn tượng. Với thế hệ nâng cấp mới nhất được gọi là Ertiga Hybrid được kỳ vọng sẽ tạo nên một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục tại Việt Nam trước các đối thủ cùng phân khúc, nhưng điểm qua thống kê bán hàng 3 tháng gần đây kể từ lúc ra mắt tại Việt Nam cho thấy Ertiga Hybird vẫn lẹt đẹt với mức bán khiêm tốn và nắm giữ vị trí bền vững cuối bảng. Cụ thể mức doanh số tại các tháng 9 -10 -11 lần lượt là 42 – 45 – 57 chiếc, những con số quá nhỏ bé so với hai đối thủ lớn trên thị trường là Xpander và Veloz.
Về mặt khách quan mà nói, ngay cả thế hệ Ertiga đầu tiên sử dụng động cơ 1.4L nhập khẩu từ Ấn Độ và thế hệ Ertiga 1.5L nhập khẩu từ Indonesia, và hiện tại là bản nâng cấp Ertiga Hybrid cũng nhập khẩu từ Indonesia, được Việt Nam Suzuki bán trên thị trường đều hội tụ đủ những yếu tố như vận hành tốt, bền bỉ, tiết kiệm nhiên liệu, giá cũng ổn, nhưng tại sao doanh số vẫn khá lẹt đẹt chiếm vị trí chót bảng?
Quay trở lại hai năm về trước khi Ertiga dính lùm xùm chảy dầu động cơ và vấn đề thiếu phụ tùng, đã khiến Việt Nam Suzuki lao đao giải quyết khủng hoảng trước người tiêu dùng và giới truyền thông, mặc dù sự việc đã qua đi nhưng ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của những khách hàng tương lai ở tại thời điểm đó và có thể cả lẫn hiện tại. Với mẫu Ertiga Hybrid, khách hàng cũng có tâm lý lo ngại vấn đề phụ tùng và ngay cả nhân tố mới đó là cục pin cho hệ hybrid của xe.
Mẫu Ertiga Hybrid với việc kết hợp động cơ 1.5L sẵn có với một motor điện nhỏ đóng vai trò như là một bộ phận khởi động cho xe và cũng kiêm luôn là máy phát để sạc điện cho viên pin Lithium-ion, cụm tích hợp này được gọi là ISG (Integrated Starter Generator – Máy phát điện khởi động tích hợp)
Cơ chế hoạt động của cụm ISG là khi xe tăng tốc hoặc leo dốc thì motor sẽ được kích hoạt để hỗ trợ thêm một chút sức kéo cho động cơ, nhưng đáng tiếc là thời gian hỗ trợ tối đa chỉ khoảng 30s một lần và cần phải được nạp lại pin, về mặt thực tế thì sự hỗ trợ này không thay đổi được đáng kể chút nào công suất tổng của xe, nó chỉ đóng góp một chút mô-men xoắn không đáng kể khi xe tăng tốc tạo cảm giác vọt hơn một chút.
Về cục pin tích hợp cho xe có dung lượng rất nhỏ (6Ah 12v), nhưng phải đảm đương công việc được lặp đi lặp lại nhiều lần trong một lần di chuyển, cũng đồng nghĩa với đó là quá trình nạp xả với dòng cao liên tục gây tổn hại đến tuổi thọ của pin. Bản thân cục pin và motor điện cũng không có khả năng hoạt động độc lập khi xe hết nhiên liệu như những chiếc xe hybrid đúng nghĩa thông thường.
Ertiga Hybrid được Việt Nam Suzuki bảo hành 100,000km hoặc 5 năm, tùy điều kiện nào đến trước, và cũng đưa ra mức giá cụ thể 29,9 triệu cho việc thay thế viên pin nếu hư khi hết bảo hành hoặc xảy ra hư hỏng do lỗi của chủ xe. Với mức giá này có thể thấy nó khá đắt so với dung lượng của cục pin là 6Ah 12V, trong khi đó chẳng hạn như cục pin của VF5 có giá 80 triệu nhưng có dung lượng lên tới 27,23 kW, lại có bảo hành lên tới 7 năm hoặc 140,000km. Công thức tính giá pin lithium-ion hầu như tuân theo tỷ lệ thuận, pin dung lượng càng lớn thì tỷ lệ thuận với giá cục pin càng lớn và ngược lại, nhưng điều này hầu như không đúng với cục pin lithiuom-ion của Ẻrtiga.
Theo điều tra thực tế của Max World Power thì tuổi thọ pin lithium – ion có chù kỳ nạp xả của khoảng từ 3000 – 5000 lần tùy điều kiện thực tế, nghĩa là sau quá trình này khả năng lưu trữ của pin sẽ giảm nhiều đáng kể vài chục phần trăm, như thế có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng vận hành và tất nhiên là phải thay pin mới.
Tuấn Phạm