Mọi dự đoán cơn bão nhập tràn lan ô tô bắt đầu vào năm 2018 đến nay chính thức coi như phá sản sau nghị định 116. Không chỉ những doanh nghiệp nhập khẩu nhỏ lẻ hết đường, mà ngay cả những thương hiệu đình đám cũng phải mất khá nhiều thời gian, công sức để đáp ứng nghị định 116 nếu muốn đưa nguồn xe nhập về phân phối.

Chưa khi nào diễn biến của thị trường ô tô nhập khẩu lại đảo nhanh như hiện nay, một viễn cảnh xe nhập khẩu từ Asean ào ào bắt đầu từ năm 2018 bị chặn đứng ngay ở giai đoạn cận kề. Hàng rào kỹ thuật mềm được thiết lập bởi nghị định 116 có thể xem là phần thưởng cho những đơn vị kiên trì theo đuổi con đường lắp ráp ô tô, và nó còn được nhân lên lợi thế nếu như doanh nghiệp đã đẩy được tỉ lệ nội địa hóa đáng kể để chủ động được giá thành sản phẩm. Hơn nữa bộ tài chính vừa quyết định giảm thuế nhiều mặt hàng linh kiện ô tô nhập khẩu về 0%, sẽ gia tăng thêm lợi ích cho các doanh nghiệp đang lắp ráp.

Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô lớn bấy lâu nay thì nghị định 116 sẽ gây khó khăn hơn, phải có đầy đủ những giấy tờ quy định, thời gian để hoàn thành thủ tục cũng kéo dài thêm khiến tăng chi phí lưu kho ở cảng vì các lô xe bắt buộc phải được kiểm định ngẫu nhiên 01 chiếc. Ở mảng xe nhập khẩu hạng sang, tuy có bị ảnh hưởng bởi nghị định 116 nhưng đa phần các doanh nghiệp phân phối lớn đã quá quen với thủ tục nên họ có thể thích ứng nhanh, hơn nữa khách hàng mua xe sang là một phân khúc khác nên việc tăng chi phí nhập khẩu ảnh hưởng tới giá cũng không đáng lo ngại, các thương hiệu xe sang dường như cũng không đấu nhau về giá nảy lửa như ở phân khúc phổ thông. Mỗi thương hiệu xe sang đều có ưu thế riêng phục vụ giới nhà giàu, chính vì thế mà nghị định 116 còn khiến những thương hiệu xe sang này yên tâm hơn vì chặn đứng được nguồn xe sang nhập khẩu bên ngoài.

Với những thương hiệu xe kinh doanh đã lâu nhưng không gia tăng tỉ lệ nội địa hóa mà chỉ làm CKD hoặc SKD (một phần nhỏ linh kiện nội địa hóa) giờ đây cũng giảm đi sức cạnh tranh so với những doanh nghiệp tầm cỡ như: Trường Hải, Hyundai Thành Công, Toyota, khi họ cũng đã chủ động đầu tư vào nguồn linh kiện nội địa đáng kể. Nhưng có lẽ khó khăn hơn cả là những thương hiệu xe chủ yếu bán xe nhập, hoặc chuyển đột ngột từ lắp ráp sang nhập sẽ khó khăn ít nhất trong hết quý I của năm 2018 để thích ứng với quy định mới, điều này chắc chắn sẽ gây khan hiếm nguồn xe nhập phổ thông trên thị trường từ đây cho tới hết quý I/2018.

Hơn nữa sức cạnh tranh sẽ giảm đi đáng kể trong việc định giá bán, đối với những lô xe đã lỡ mang về tới cảng hoặc đang trên đường về sẽ phải tốn khá nhiều thời gian để bổ sung hoàn tất hồ sơ theo nghị định 116, còn những dự định đưa các lô xe nhập về Việt Nam trong năm 2018 chắc chắn đang phải được trì hoãn vô thời hạn để nghe ngóng tình hình từ. Hiện tại có những mẫu xe nhập đã hết hàng nhưng nhà cung cấp cũng không thể đưa ra được câu trả lời khi nào có xe, hoặc không thể nhận cọc. Một vài mẫu xe trong Triển lãm VMS 2017 diễn ra trong tháng 8 vừa qua được trưng bày, và gần như chắc chắn sẽ bán tại Việt Nam trong năm 2018 thì giờ đây cũng sẽ khó có cửa bán trước quý I năm 2018.

Điểm khó khăn nhất là nếu như có đủ những bộ giấy tờ lận lưng theo quy định 116, thì sức cạnh tranh cũng giảm đi đáng kể trước những đối thủ xe lắp ráp trong nước.  Việc khan hiếm xe nhập tạm thời sẽ khiến cho giá xe khó có cửa giảm mạnh trong năm 2018, vì nhiều đơn vị sẽ trong nước nhìn nhau để đặt giá nhứ không quyết chiến về giá diễn ra như trong tháng 07 và 08 vừa qua, có chăng chỉ là những khuyến mãi nhẹ.

Quốc Huy

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *